Truyền hình trả tiền: Cần phá bỏ thế độc quyền

ANTĐ - Thị trường truyền hình trả tiền (THTT) đang đứng trước cơ hội lớn khi hàng loạt tên tuổi như Viettel, VNPT, FPT đánh tiếng gia nhập. Các chuyên gia kinh tế dự báo, giống như thị trường viễn thông, khi có thêm những đối thủ cạnh tranh, người dùng THTT sẽ được hưởng lợi.

Người tiêu dùng luôn mong muốn mức cước thấp và chất lượng dịch vụ cao. Ảnh: Internet

Giá cước tăng đều

Bình luận về thị trường THTT ở Việt Nam hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói: “Sau 9 năm phát triển, tính độc quyền vẫn khá đậm nét. Đáng chú ý,  giá cước đã tăng liên tục (trong 3 năm qua, giá dịch vụ truyền hình cáp VCTV tăng gần 300%, từ mức 44.000 đồng/tháng năm 2009, tăng lên 65.000 đồng, rồi 88.000 đồng và tới 110.000 đồng từ 1-9-2012).” Cũng theo ông Nguyễn Minh Phong, vấn đề chính ở chỗ, dù tăng cước thuê bao liên tục, nhưng chất lượng dịch vụ THTT hiện nay chưa được cải thiện tương ứng cả về tín hiệu kỹ thuật hình ảnh và sự hấp dẫn. Những sự kiện như năm 2010, K+ tuyên bố độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh ở Việt Nam và bán đầu thu, phí thuê bao cao hay sự lòng vòng bản quyền giải Ngoại hạng Anh gần đây luôn làm phiền lòng người dùng THTT. Chưa hết, có doanh nghiệp khi mới hoạt động tuyên bố khuyến mại đầu thu nhưng khách hàng mua về sử dụng chưa được bao lâu thì lại tung ra đầu thu mới, đồng thời cắt giảm một số kênh truyền hình đối với những thuê bao sử dụng đầu thu cũ. 

Không hề oan khi nói thị trường THTT ở Việt Nam tuy đông vui nhưng hỗn độn. Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT-TT) Mai Liêm Trực phân tích: “Tại một số thành phố, chỉ có vài doanh nghiệp chiếm đến 70% thị phần thì đấy không phải là cạnh tranh. Hiện nay, thị trường THTT chưa có cạnh tranh, nếu có thì giá cước đã giảm rồi. Không có chuyện cạnh tranh mà giá cước lại tăng”.

Nhìn sang thị trường viễn thông, có thể thấy, việc mở cửa cạnh tranh thị truờng đã giúp người tiêu dùng hưởng lợi lớn nhờ giá cước di động giảm liên tục và tiện ích của viễn thông được tăng cường. Số trạm phát sóng di động cũng tăng không ngừng trên toàn quốc, đến tận các vùng sâu vùng xa. Hiện nay, giá cước đã giảm còn 1.200 đồng/phút, tức giảm khoảng 250% so với giá 3.000 đồng/phút vào thời điểm trước năm 2000 và được tính theo block 6 giây + 1. Thế nên, nhiều người cho rằng, thị trường THTT cũng nên đi theo con đường viễn thông. Chỉ khi có thêm đối thủ cạnh tranh, người tiêu dùng mới có thêm quyền lợi.

Cần sân chơi công bằng

Hiện nay, một số doanh nghiệp viễn thông lớn như Viettel, VNPT, FPT đã sẵn sàng nhập cuộc để phá bỏ thế độc quyền trên  thị trường THTT. Thế nhưng, vướng mắc còn lại của họ chính là giấy phép. Chưa rõ sự thành bại của các doanh nghiệp này ra sao khi tham gia vào một lĩnh vực mới nhưng việc họ gia nhập thị trường THTT chắc chắn sẽ khiến thị trường sôi động hơn. Sự góp mặt của họ sẽ trở thành đối trọng buộc các nhà cung cấp dịch vụ THTT phải thay đổi tư duy phục vụ đối với người tiêu dùng. 

Ý kiến một số chuyên gia cho rằng, nên cho doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường THTT nhưng phải có kiểm soát tránh trường hợp độc quyền về hạ tầng. Hiện nay, 80% nông thôn chưa có truyền hình trả tiền, chưa có hệ thống truyền dẫn của các đài truyền hình. Trong khi đó, Viettel và VNPT đều có hệ thống đến tận nơi. Nếu triển khai truyền dẫn trên hạ tầng của các đơn vị này, THTT sẽ nhanh chóng lan rộng, mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người dân.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận: “Sự mở rộng cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền ngày càng trở thành cấp thiết và chín muồi. Quá trình cạnh tranh sẽ mang lại mức giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn cho người dùng. Nó cũng rất phù hợp với mục tiêu “chống độc quyền, mở cửa thị trường” của Đảng và Nhà nước”. TS. Nguyễn Minh Phong nói: “Đáng tiếc, việc cấp phép dịch vụ truyền hình cáp cho các doanh nghiệp mới đủ tiêu chuẩn dường như đang gặp nhiều lực cản, làm khó cho họ và gây chậm trễ tiến độ mở cửa cạnh tranh để giảm giá và nâng cao chất lượng thị trường dịch vụ THTT ở nước ta”.

Với khoảng 20 triệu hộ gia đình, nhưng đến nay, toàn quốc mới có khoảng 4,5 triệu thuê bao, chiếm chưa tới 25%. THTT đang là lĩnh vực đầy tiềm năng tại Việt Nam. Nếu tỷ lệ bão hòa được cho là ở mức 60%, thì “miếng bánh” này còn đến 35% cho các nhà đài.