Truyền dịch tùy tiện có thể chết người

ANTĐ - Trong những ngày nắng nóng số người bị sốt cao, say nắng… có xu hướng gia tăng. Do thiếu hiểu biết, không ít người khi thấy mình hay người thân mệt mỏi, nóng sốt đã tự ý truyền nước, truyền dịch tại nhà hoặc đến phòng khám tư nhân không đảm bảo, gây hại cho sức khỏe.

Truyền dịch tùy tiện có thể chết người ảnh 1Việc truyền nước, truyền dịch cần phải được thực hiện tại các cơ sở y tế có uy tín

Mất mạng vì truyền dịch

Thời gian qua đã xảy ra không ít ca tử vong do truyền nước. Gần đây nhất, vào ngày 12-6 tại phường Tân Phú, TP.HCM, em T.T.T.U (SN 1996) do mệt mỏi nên đã được phụ huynh chở đến một phòng khám gần nhà để kiểm tra sức khỏe. Tại phòng khám này, nhân viên y tế chỉ nhìn qua loa rồi truyền nước luôn cho bệnh nhân. Chỉ sau ít phút, em U có biểu hiện co giật, sau đó tử vong trên đường đi cấp cứu.

Trước đó, Sở Y tế  tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định tước giấy phép của một đại lý thuốc tư nhân tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Nguyên nhân là em Y.D (11 tuổi) khi bị sốt, nôn đã được gia đình đưa đến đại lý này để mua thuốc uống.

Tại đây em đã được truyền dịch và bất ngờ tử vong trong lúc đang truyền do phù phổi cấp, suy hô hấp. Cách đây không lâu,  chị H.T.Y (SN  1991) quê ở An Lão, Hải Phòng cũng đã mất mạng khi đến nhà riêng của một y tá xin truyền dịch. 

Còn tại TP Vinh (Nghệ An), bệnh nhân N.T.H.N (23 tuổi) đã tử vong sau 50 ngày cấp cứu tại bệnh viện. Trước đó, bệnh nhân này chỉ bị cảm cúm và được gia đình đưa đến chữa trị tại nhà một y tá về hưu. Sau 9 ngày được y tá truyền nước pha lẫn kháng sinh, chị N không những không khỏe lên mà ngày càng yếu đi.

Khi chị N kiệt sức không đi được, gia đình đã đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng do bị truyền quá nhiều nước pha kháng sinh không đúng với bệnh lý nên chị N đã bị nhiễm độc trong máu, không qua khỏi.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông C.Đ.T (43 tuổi), ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa khi thấy không khỏe đã đến một phòng khám tư gần nhà truyền nước và đột ngột tử vong sau khi truyền gần hết 2 chai nước.

Ngoài những trường hợp đã mất mạng do truyền dịch không theo chỉ định của bác sỹ còn có không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch nhưng đã may mắn được cứu sống.

Mặc dù vậy, tình trạng truyền dịch một cách tùy tiện vẫn diễn ra khá phổ biến và có xu hướng gia tăng vào những ngày nắng nóng, không chỉ ở những người có biểu hiện sốt cao, chán ăn, mệt mỏi mà ngay cả người khỏe mạnh bình thường cũng thích truyền dịch, truyền nước hoa quả với suy nghĩ “càng truyền nhiều càng bổ, càng tốt”.

Nguy hiểm hơn, một số bậc phụ huynh thấy con học hành căng thẳng, sút cân, thiếu ngủ cũng đè ra… truyền nước, truyền dịch.

Phải truyền ở cơ sở y tế uy tín

Trong y học, truyền dịch là kỹ thuật cần thiết nhằm bổ sung nước, chất điện giải cho cơ thể và phòng trụy tim mạch, song việc coi dịch truyền là chất “bổ”, tốt trong mọi trường hợp là quan niệm sai lầm.

Theo bác sỹ Trần Thu Hà - Bệnh viện Bạch Mai, dịch truyền là thuốc dạng đặc biệt, chống chỉ định đối với nhiều loại bệnh và bệnh nhân, do đó việc sử dụng cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sỹ. Thế nhưng hiện vẫn còn nhiều người thiếu hiểu biết về vấn đề này, thậm chí có bệnh nhân khi vào viện rồi còn nằng nặc đòi bác sỹ cho truyền dịch.

Truyền dịch ngay cả khi được thực hiện tại các bệnh viện lớn, bệnh nhân cũng có thể bị sốc hoặc có thể gặp một số nguy hiểm như phù, đau, sưng, viêm tĩnh mạch. Nếu không được xử trí kịp thời bằng các loại trang thiết bị y tế cần thiết với các y bác sỹ có chuyên môn, bệnh nhân có thể tử vong.

Do vậy, việc người dân tự ý nhờ người truyền dịch tại nhà hoặc đến các phòng khám tư không đảm bảo điều kiện để truyền dịch là vô cùng nguy hiểm, chưa kể đến nguy cơ bị viêm nhiễm. Bên cạnh đó, việc truyền dịch không đúng người, đúng bệnh kéo dài sẽ làm rối loạn hấp thu chất dinh dưỡng trong cơ thể hoặc bị biến chứng.

Theo các chuyên gia y tế, người bệnh bị mất nước nhưng không ở mức nghiêm trọng, nếu vẫn có thể bù đắp qua đường ăn uống thông thường thì không nên truyền dịch.

“Những người khỏe mạnh bình thường không nên lạm dụng truyền dịch, nhất là dịch hoa quả vì “lợi bất cập hại”. Người ốm yếu cũng không nên truyền dịch một cách tùy tiện (đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ) mà cần đến các cơ sở y tế uy tín để khám và chỉ truyền dịch khi có chỉ dẫn của bác sĩ” - bác sỹ Trần Thu Hà khuyến cáo.