Truyền cảm hứng cho khách du lịch tới Việt Nam, cách nào?

ANTD.VN - “Vietnam Timeless Charm” (Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận), khẩu hiệu du lịch quốc gia được sử dụng từ năm 2012 đến nay của Việt Nam, liệu rằng đã đem đến cho du khách trong nước và quốc tế một nét riêng về du lịch của một đất nước có bề dày về lịch sử và đa dạng về văn hóa?

Đó là một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị Chuyên đề 1 - “Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách” nằm trong trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2019 vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Ông Hà Văn Siêu, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu khai mạc 

Đi từ khẩu hiệu – công cụ xây dựng thương hiệu

Hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều thành công nhất định. Tuy nhiên việc truyền thông hình ảnh, thương hiệu du lịch quốc gia vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện.

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đã đánh giá lại chiến lược thương hiệu quốc gia, tìm hướng cải thiện các thông điệp về Việt Nam và cách vận hành hiệu quả các văn phòng du lịch ở nước ngoài.

“Tôi nghĩ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng du lịch cả hiện tại và trong tương lai. Để khai thác hết những tiềm năng này, ngay từ trong slogan của các bạn cũng nên thể hiện được đặc trưng của du lịch Việt Nam. Đó là về lịch sử, con người, ẩm thực, văn hóa…”, bà Delilah Chan, Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Nam Á của CNN chia sẻ tại Hội thảo.

Bà Delilah Chan, Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Nam Á của CNN

Cũng theo bà Delilah Chan, ngoài việc chú ý đến các di sản thì Việt Nam cần hướng đến các giá trị trong tương lai. Việt Nam cần hướng đến các giá trị tiêu biểu khiến Việt Nam trở thành một trong những điểm đến tiềm năng của Đông Nam Á. Có như thế thì không chỉ thu hút khách du lịch mà còn thu hút các nguồn đầu tư vào Việt Nam. 

Bắt đầu ngay từ khẩu hiệu, các đại biểu đồng thuận đóng góp ý kiến cho rằng khẩu hiệu hiện tại vẫn còn trừu tượng, chưa nêu bật được một điểm đặc sắc của đất nước Việt Nam. Trong khi đó một số nước có du lịch thuộc top đầu thế giới như Singapore có tagline là “Passion Made Possible”, Philippines là “It’s more fun in the Philippines”, Thái Lan là “Amazing Thailand” hay Malaysia là “Malaysia Truly Asia”...khiến du khách nhớ ngay tới đất nước đó với những đặc trưng.

Một câu khẩu hiệu đạt được hiệu quả cần đáp ứng được 3 yêu cầu trước hết bao gồm: Làm rõ thông điệp là gì; Thông điệp đủ đơn giản, dễ hiểu cho mọi đối tượng; Thông điệp tới được với tất cả các nhóm khách hàng khác nhau.

Ông Douglas Hainsworth, Đại diện dự án SSTP của Thụy Sĩ về nghiên cứu chiến lượng Marketing cho lịch Việt Nam.

“Việt Nam có một nền văn hóa vô cùng đặc trưng. Người dân Việt Nam thân thiện và năng động. Đây là một số điểm mạnh mà khẩu hiệu du lịch Việt Nam có thể hướng tới để xây dựng thương hiệu phù hợp”, ông Douglas Hainsworth, Đại diện dự án SSTP của Thụy Sĩ về nghiên cứu chiến lượng Marketing cho lịch Việt Nam bày tỏ.

Bà Sharon Koh, Giám đốc Kinh doanh Đông Nam Á, đại diện của truyền hình CNBC đánh giá rằng tiềm năng của du lịch Việt Nam đa dạng. Chính sự phân bố không đồng đều về tiềm năng du lịch ở Việt Nam thực chất tạo nên sự khác biệt giữa các tỉnh lẻ và các thành phố lớn. Ví dụ ở Hà Nội có thể trải nghiệm sự xa hoa nhưng khi đến các tỉnh lẻ, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn nhìn cánh đồng lúa lần đầu tiên trong đời. Điều này sẽ tạo nên sự đa dạng về trải nghiệm cho du khách quốc tế và là một lợi thế thu hút họ.

Quảng bá và truyền hứng cho du khách

Tại phiên thảo luận, vấn đề quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách cũng được quan tâm. Ví dụ như những hạn chế làm xấu đi hình ảnh điểm đến như tình trạng “chặt chém” khách du lịch, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh – an toàn cho du khách… Qua đó, các chuyên gia đã đưa ra những đề xuất cụ thể để xử lý nhanh chóng, kịp thời phản ánh của du khách.

Theo bà Delilah Chan, Việt Nam là top 5 điểm đến thu hút khu vực nhưng làm thế nào đánh giá được thị trường trọng điểm. Những nhà quản lý và kinh doanh du lịch chú ý tới vấn đề thu thập suy nghĩ của khách du lịch thông qua những câu chuyện về Việt Nam, hướng tới phân khúc khách hàng cụ thể và lưu trú lâu hơn, thị trường du lịch phải chỉ rõ mục đích, trọng điểm trong chiến dịch, slogan.

Thông điệp du lịch không chỉ đưa ra từ trên xuống mà còn từ dưới lên, hứa hẹn cách thức vận động, thúc đẩy thị trường muốn tiếp cận, tạo ra nhiều nội dung trong du lịch để có sự tham gia của chương trình mục tiêu và tăng quy mô, mức độ.

Để thực hiện được phương hướng vận hành theo hình thức từ trên xuống và từ dưới lên thì cần có cơ chế phản hồi, tham vấn cơ quan, khách du lịch, từ đó có nhiều biện pháp điều chỉnh. Tất cả phải tính đến yếu tố lâu dài để chứng minh được giá trị của Việt Nam trên bản đồ thế giới.  

“Tại Ấn Độ, họ tập trung người du lịch bằng các sản phẩm ẩm thực, điểm du lịch di sản, có nhiều format định dạng khác nhau (hình ảnh, âm thanh…). Việt Nam cần cố gắng học hỏi thương hiệu du lịch hàng đầu trên thế giới. Kết hợp truyền thông quốc tế là một cách tốt mà các bạn đang thực hiện”, ông Max Newham, Giám đốc chiến lược sáng tạo thương hiệu, đại diện CNBC chia sẻ.

Ông Max Newham, Giám đốc chiến lược sáng tạo thương hiệu, đại diện CNBC 

Cũng theo ông Max Newham và ông Hồ An Phong (Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình) thì trong du lịch, ý tưởng và cách làm chính là hai vấn đề quan trọng nhất. Bởi không phải phát triển nóng mà là phát triển bền vững để “không giết chết con gà đẻ trứng vàng”.

Thủ đô BangKok của Thái Lan hay Dubai của Ấn Độ có lượng khách du lịch đến lưu trú và quay lại ở mức cao nhất của thế giới theo khảo sát của Master Card. Đây chính là những điểm hạn chế của du lịch Việt Nam hiện nay. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi những “bí quyết” từ các quốc gia này về truyền thông, marketing…

“Rõ ràng hiện nay các đơn vị du lịch, truyền thông vẫn còn hoạt động lẻ tẻ, chưa có phối hợp công và tư. Phía chính quyền nên tạo điều kiện thực hiện như hỗ trợ khảo sát để đưa thông điệp truyền thông đến với từng người dân trong phạm vi rộng hơn”, ông Nguyễn Văn Hường, đại diện truyền hình BBC tại Việt Nam chia sẻ.

Theo một khảo sát của BBC, cho đến năm 2020, du khách nước ngoài đến Việt Nam không chỉ khám phá vẻ đẹp của Việt Nam mà họ thực hiện công tác từ thiện tại địa phương. Các đơn vị truyền thông hoàn toàn xây dựng được chiến lược trên cơ sở này để nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia.

Kết thúc phiên thảo luận, các đại biểu, chuyên gia thống nhất chương trình hành động để cải thiện hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam, thúc đẩy giải pháp bài toán cấp bách về đầu tư, thu hút khách du lịch từ các thị trường chiến lược và nâng cao năng lực phục vụ của du lịch Việt Nam.