Truy tìm những đứa trẻ thích đi bụi

ANTĐ - Bị bố mắng, nữ sinh bỏ nhà, Dỗi người yêu, bỏ nhà,  chán đời, bỏ nhà đi hoang, nhớ bạn tình, bỏ nhà đi… những dòng tít như thế này có thể thấy nhan nhản trên các báo. Ai là người chịu trách nhiệm khi những đứa trẻ bỏ nhà? Gia đình, nhà trường, hay xã hội? Gia đình ư, bố mẹ còn bận không quan tâm được đến con cái. Nhà trường ư?, đó chỉ là trường hợp cá biệt làm sao mà quản cho xuể. Xã hội ư? Lại đổ dồn gánh nặng lên xã hội, một khái niệm rất chung chung. Và chỉ đến khi đứa trẻ bỏ đi, bố mẹ chúng mới tá hỏa đi tìm. Tìm ở đâu? Chả có cách nào khác là đến trình báo công an…


Teen và sở thích “dạt vòm”

Tuổi “ô mai”, ăn chưa no, lo chưa tới nhưng lúc nào cũng nghĩ mình đã là người lớn, trưởng thành không ai phải lo lắng cho mình. Teen sẵn sàng bỏ nhà đi, không biết phía sau mình là ai, không biết hậu quả sẽ ra sao. Câu chuyện mới đây, vào những ngày đầu năm mới, L.T.H vừa mới bước sang tuổi 17, quê ở Bình Lục, Hà Nam, chỉ vì bị bố mắng mà quyết tâm bỏ lên Hà Nội lập nghiệp, kéo theo cô bạn thân tên Y. Gia đình lo lắng, tìm kiếm khắp nơi nhưng không có hiệu quả. 1 tuần sau, trong lúc tuyệt vọng nhất bố H đã tìm đến CAQ Thanh Xuân trình báo.

Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, những người chiến sỹ công an vốn quen với việc truy bắt tội phạm trở thành những chuyên gia tâm lý, các anh động viên, an ủi gia đình bớt lo lắng, bình tĩnh cung cấp thông tin liên quan để cơ quan điều tra truy tìm các cháu. Các trinh sát Đội điều tra hình sự CAQ Thanh Xuân nhanh chóng nhận định, cháu H chỉ là nông nổi bỏ nhà đi, nhưng cũng không loại trừ trường hợp bị bạn xấu rủ rê rồi lừa bán ra nước ngoài. Cùng chung tâm lý của những người làm cha, làm mẹ, CAQ Thanh Xuân đã phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ khác xác minh chỗ 2 nữ sinh này đang có thể tá túc. Rà soát, gọi hỏi nhiều đối tượng có dấu hiệu hoạt động mua bán người và các đối tượng có quá khứ “bảo kê”, chăn dắt gái mại dâm, để lần tìm manh mối 2 nữ sinh lớp 11 mất tích. Mặt khác, CAQ Thanh Xuân phối hợp với các đơn vị giáp ranh kiểm tra hành chính các nhà nghỉ, nhà trọ trên địa bàn. Chỉ trong vòng 1 ngày sau khi nhận được đơn trình báo, sau khi tổ chức các biện pháp nghiệp vụ tìm kiếm 2 nữ sinh mất tích, CAQ Thanh Xuân phát hiện tại một nhà trọ ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, có 2 cô gái đến thuê trọ được khoảng 1 tuần để xin việc làm. Họ được xác định là H và Y, 2 người mất tích quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Nếu như H, Y vì bị bố đánh, tủi thân mà bỏ nhà ra đi thì T.B.K lại đi theo tiếng gọi của tình yêu và điểm đến của K ở tận Cao Bằng. Một điều tra viên của đội 12, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội kể cho biết khi tiếp nhận đơn trình báo của bố mẹ K, dù gia đình cho rằng con mình đã bị bắt cóc và bán qua biên giới, những trinh sát của đội 12 cũng đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, nhưng vẫn thiên nhiều về khả năng cháu đi chơi với bạn. 1 ngày sau khi bỏ nhà đi, K đã bị bạn trai rủ chơi trò “người lớn”. Cô bé sợ hãi và gọi điện về cho gia đình. Nghe tiếng con thảng thốt: “Mẹ ơi con đang ở Trùng Khánh, Cao Bằng, con sợ lắm, mẹ lên cứu con…” mẹ cô quả quyết rằng con mình đã bị bọn tội phạm dụ dỗ, đang trên đường đưa ra nước ngoài bán.

Xác định vụ việc không đơn giản, một tổ công tác của đội 12 - Phòng chống tội phạm về buôn bán phụ nữ và trẻ em đã khẩn trương lên Cao Bằng để tìm kiếm nạn nhân. Không nhanh chóng như ở Hà Nội, các anh phải mất 4 ngày, mới bắt đầu có manh mối nơi cô bé K có thể đang trú ẩn. Không thể nói hết tâm trạng của những chiến sĩ trong tổ công tác. Đây không đơn thuần là vụ việc bỏ nhà đi như các anh vẫn gặp mà có thể là vụ bán người qua biên giới, chỉ một phút chậm chân, cô bé K rất có thể sẽ bị đưa vào những tổ quỷ ở nước ngoài, trở thành món hàng siêu lợi nhuận như rất nhiều vụ việc đã xảy ra trước đó. Phối hợp cùng công an địa phương, sau 4 ngày, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác xác định K đang ở một quán điện tử ở km90 thị trấn Trùng Khánh. Khi các anh đến nơi, tim đập rộn ràng hơn vì thấy K đang cùng người yêu chơi điện tử, chứ không phải đang ở trong một ngôi nhà chờ bị chuyển ra nước ngoài.


Tìm thấy lại bỏ nhà đi tiếp

Với cái lắc đầu ngán ngẩm, Trung tá Nguyễn Tiến Tần - Đội trưởng Đội 12 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an thành phố Hà Nội cho rằng khổ nhất là những vụ tìm nữ sinh có “tiền án” bỏ nhà đi. Có em sau lần bỏ nhà đi, khi về thay đổi hẳn, trở nên ngoan ngoãn nhưng cũng có em tâm lý trở nên khó nắm bắt và việc tự làm mình mất tích như một nhu cầu cần có. Đa phần những em này, những lần bỏ đi sau đó việc tìm kiếm thường khó khăn gấp bội bởi  chúng đã “rút được kinh nghiệm” trong lần bỏ nhà trước. Chúng trốn kỹ hơn, xóa “dấu vết” cũng kinh nghiệm hơn trong khi các điều tra viên đôi khi đến tấm ảnh nhận dạng cũng không có. Trung tá Tần cho biết, những nữ sinh có “tiền án” bỏ nhà đi này đại đa số nằm trong diện nghiện “yêu”, muốn sống lại những cảm giác “người lớn” sau lần ăn trái cấm.

Điển hình như vụ đi tìm hai cô bé Nguyễn Thị T và Phạm Thị Vân A, nhà ở Tây Hồ, Hà Nội. Đang học lớp 10, nghe theo lời rủ rê của nhóm bạn chat, hai cô bé bỏ nhà ra đi và cuộc sống bầy đàn với những cậu choai cùng lứa đã khiến hai nữ sinh này trở nên già dặn. Sau nửa tháng đi bụi, hai cô gái được lực lượng công an tìm thấy khi đang “ẩn” trong một phòng trọ, thế nhưng chưa đầy tháng sau khi được giao cho gia đình quản lý, bố mẹ hai cô lại khóc mếu với lá đơn trình báo mất con. Bị bắt trở về lần thứ ba, hai cô gái hồn nhiên tâm sự do “nhớ bạn tình nên lại bỏ đi”. Có cô bé, trong khi bố mẹ hết nước mắt vì lo lắng, các trinh sát thì tốn bao công sức đi tìm vẫn thản nhiên nhai bánh mỳ và còn nói “sẽ bỏ đi lần nữa nếu thấy ở nhà quá tẻ nhạt”.

Hay như Trần Diễm H, 17 tuổi, ở Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, dù đã được các trinh sát tìm về đến 3 lần vẫn không lý giải nổi tại sao mình vẫn muốn bỏ đi. Bố đi tù về tội ma túy, còn mẹ lấy chồng khác, H được ông bà nội đón về nuôi. Sự dạy bảo của ông bà dù có chu đáo tới đâu cũng không bù lấp nổi sự thiếu vắng tình mẫu tử mỗi ngày một lớn trong lòng cô bé đang tuổi lớn này. H được một nhóm bạn rủ đi chơi và ngay đêm đầu tiên, những người bạn mới quen này đã “cắn xé” cô một cách không thương tiếc. Hẫng hụt, đau khổ, thế nhưng khi được tìm về nhà, chỉ vài hôm H lại muốn bỏ đi bởi không chịu được những lời nhắc nhở của ông bà. Cô cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt nếu cứ luôn phải nghe những bài giáo huấn của ông bà và ánh mắt dò xét của mẹ. Cứ như vậy cô trượt dài, sẵn sàng bỏ nhà đi để lấy sự sôi nổi, bất cần đời của nhóm bạn hòng vùi lấp sự chán nản, dù biết điều gì đang chờ mình sau đó.


Đắng lòng những đứa trẻ tập làm người lớn

Có những người cho rằng, với những đứa trẻ thường xuyên bỏ nhà đi, thì không nên mất công tìm kiếm, vì chúng đi chán, hết tiền chúng lại mò về. Nhưng với những chiến sĩ công an thì không thể như vậy được,  lương tâm của người chiến sĩ công an không cho phép các anh nghĩ như vậy. Thêm một ngày những đứa trẻ bỏ đi, là thêm một ngày cha mẹ chúng thắt ruột chờ đợi, và cũng là cả chuỗi ngày các chiến sĩ công an phải dày công tìm kiếm. Cha mẹ mất con, dù lần đầu hay lần thứ 3 đều đến báo án, thì mỗi người chiến sĩ công an đều xác định đó là một vụ án, phải khẩn trương điều tra, truy tìm bởi nó liên quan đến tính mạng của một con người. Nhiều khi những chiến sĩ công an phải đi tìm con cho họ với tâm thế của những người bố, người mẹ đi tìm con mình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được điều đó. Trong tâm lý rối loạn vì bị mất con, nhiều gia đình coi  việc tìm con họ là nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng công an, thậm chí có những lời nói khó nghe, đôi khi không cung cấp đúng, đủ thông tin. “Dù gì thì đây cũng là nhiệm vụ của chúng tôi, nhưng day dứt nhất là những vụ trẻ bỏ nhà đi rồi làm chuyện “người lớn” trong khi chúng đều chưa đến tuổi làm người lớn. Chiểu theo Luật thì không thể khởi tố người xâm hại nhưng không phải ai nghe giải thích cũng hiểu ra mà nhận thấy trách nhiệm của mình. Những vụ như thế này, chúng tôi chỉ biết tìm các em về, giao cho gia đình quản lý, dạy bảo. Lỗi một phần là ở các em nhưng chúng quá nhỏ. Người lớn mình chịu trách nhiệm là chính. Cũng vì thế mà việc quan tâm, giáo dục con cái cần phải được thường xuyên, sát sao bởi những vụ như thế này, phần thiệt thòi luôn thuộc về các em gái” - Trung tá Tần chia sẻ.

Rời khỏi nhà với thân xác và suy nghĩ của những đứa trẻ, các nữ sinh chẳng thể lường hết những cạm bẫy cuộc đời. Thường thì các cháu bị kẻ xấu lợi dụng, biến thành đàn bà ở cái tuổi còn quá nhỏ. Hơn nữa, khi đi bụi, thường những nữ sinh này chỉ có những đứa bạn hư. Cùng sống bầy đàn với nhau, khi hết tiền thì sẵn sàng phạm tội để có tiền tiếp tục lối sống ấy. Theo một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, vấn đề bức xúc hiện nay là tình trạng thanh thiếu niên, trong đó có cả học sinh, sinh viên bỏ nhà đi sống bầy đàn, rồi rủ nhau phạm tội. Để bớt đi những xót xa, những bậc làm cha làm mẹ cũng cần quan tâm hơn nữa đến con cái của mình, nhất là trẻ vị thành niên.