Truy tận cùng vi phạm

ANTĐ - An toàn vệ sinh thực phẩm lâu nay không chỉ là nỗi ám ảnh thường trực của toàn xã hội mà đã trở thành nguy cơ thực sự ẩn chứa trong mớ rau, miếng thịt, con cá với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, chất bảo quản. Không chỉ lo sợ những thực phẩm bẩn nhập lậu luồn lách trên thị trường mà ngay cả những hàng nông sản, thủy sản sản xuất ngay trong nước cũng có vấn đề. Tình hình nghiêm trọng tới mức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã phải tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.
Mặc dù mùa hè năm nay chưa bùng phát dịch bệnh, chưa xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm lớn, song sức khỏe và tính mạng của người dân cũng như nguy cơ ảnh hưởng lâu dài tới sự tồn vong của nòi giống đã đến mức báo động. Chỉ qua một đợt kiểm tra đã phát hiện 11 mẫu thủy sản nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt giới hạn tối đa cho phép. Lấy ngẫu nhiên 40 mẫu thịt gà trên thị trường đã phát hiện 5 mẫu nhiễm vi khuẩn gây bệnh dạ dày, ruột; 6 mẫu nhiễm kháng sinh cấm sử dụng và 4 mẫu dư chất kháng sinh vượt giới hạn tối đa cho phép. Kiểm tra nguy cơ đối với 26 loại rau quả tươi sản xuất trong nước, cũng phát hiện 4 hoạt chất cấm và 4 hoạt chất vượt quy định ở mức nguy hiểm. Đặc biệt, trong 7 tháng qua, khi kiểm tra ở các địa phương đã phát hiện 1.126/6.976 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, thủy sản vi phạm chất lượng. Tỷ lệ doanh nghiệp giết mổ gia súc và thủy sản vi phạm chiếm tới 38%. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi vi phạm vẫn cao tới 25,4%.

Có thể nói, đợt kiểm tra này chỉ là gạt “lớp váng” nổi lên trên, ở dưới sâu còn chứa đựng rất nhiều thực trạng đáng lo ngại khác. Đại diện các tỉnh, thành đều kêu khó, thậm chí bất lực. Một lĩnh vực rất hệ trọng liên quan tới bữa ăn hàng ngày, nhất là sức khỏe, bệnh tật của nhân dân, vậy mà nhiều địa phương, cơ bản là tuyến quận, huyện, xã gần như là “vùng trắng” cán bộ chuyên môn kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm. Chẳng hạn ở quận Hai Bà Trưng có 5.000 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản xuất nông sản, ở mỗi huyện ngoại thành cũng có khoảng 800 cơ sở. Tất cả đều do huyện, phường, xã quản lý. Tuy nhiên, ở cấp phường, xã đều “trắng” cán bộ chuyên môn. Tình trạng “đói” nhân lực ở các tỉnh cũng không hơn gì, cán bộ quản lý chuyên ngành vừa thiếu, vừa yếu lại phải kiêm nhiệm nhiều việc. Hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư, thực phẩm, nhưng tỉnh chỉ cấp giấy phép cho khoảng 100 doanh nghiệp, hơn 1.000 cơ sở do huyện quản lý, còn cả nghìn hộ ở cấp xã hầu như không có giấy phép. Trong khi đó thực phẩm từ đồng ruộng, nơi chăn nuôi qua khâu trung gian hoặc chế biến tới mâm cơm của người dân lại có tới 3 bộ cùng quản lý. 
Đứng trước thực trạng bức xúc này, Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã bày tỏ thái độ quyết liệt “phải truy tận cùng, bắt doanh nghiệp vi phạm phải đền bù cho người tiêu dùng bị thiệt hại”. Ông cũng thừa nhận không thể kiểm tra hết lượng sản phẩm khổng lồ, vì vậy phải tập trung kiểm tra những sản phẩm có nguy cơ cao. Phải tổng kiểm tra toàn bộ cơ sở vi phạm trên địa bàn tỉnh để xử lý nghiêm khắc. Với quyết tâm “truy tận cùng vi phạm”, người tiêu dùng hy vọng có thể yên tâm không còn vừa ăn vừa nơm nớp lo rước họa vào thân.