Truy đường đi của hàng chục tấn thịt trâu nhập khẩu nghi vấn thành thịt bò

ANTĐ - Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ ngày 7-12, ông Trần Hùng - Phó Chánh văn phòng thường trực BCĐ Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) cho biết, cơ quan này đang tích cực phối hợp, đề nghị các đơn vị chức năng khác điều tra, làm rõ nghi vấn về hiện tượng thịt trâu nhập khẩu được “hô biến” thành thịt bò, để “móc túi” người tiêu dùng. 

Truy đường đi của hàng chục tấn thịt trâu nhập khẩu nghi vấn thành thịt bò ảnh 1Lực lượng chức năng kiểm tra kho đông lạnh tập kết thịt trâu nhập khẩu

Theo ông Trần Hùng, nghi vấn về hiện tượng này được Đội QLTT số 7 - Chi cục QLTT Hà Nội phát giác đầu tiên, sau khi thu giữ 250 kg thịt bò nhập khẩu nhưng nghi là… thịt trâu. Sự việc lập tức được Đội QLTT số 7 báo cáo lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội, rồi tiếp tục được báo đến BCĐ 389 Trung ương.

“Trước dấu hiệu bất thường này, chúng tôi đã làm việc với Tổng cục Hải quan để nắm thông tin và biết được, đã và đang có rất nhiều doanh nghiệp trên toàn quốc nhập khẩu thịt trâu, chủ yếu từ Ấn Độ và một số nước thuộc khu vực châu Mỹ. Từ đầu năm 2014, đã có đến trên 5 vạn tờ khai nhập mặt hàng này”, ông Trần Hùng thông tin và cho biết, có doanh nghiệp kê khai tạm nhập thịt trâu để tái xuất, cũng có doanh nghiệp nhập để phân phối.

Sau một thời gian xác minh, Văn phòng BCĐ 389 Trung ương, có sự phối hợp, vào cuộc trách nhiệm của lực lượng QLTT Hà Nội và Phòng An ninh Kinh tế CATP Hà Nội; đã xác định được một trong những địa chỉ thường tập kết thịt trâu nhập khẩu là kho đông lạnh ở khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội.

Ngày 4-12, lực lượng liên ngành đã kiểm tra kho đông lạnh trên, xác định có khoảng 40 tấn thịt trâu đông lạnh, trong đó có khoảng 15 tấn không ghi nhãn mác, không thời hạn sử dụng, có dấu hiệu giả mạo hàng hóa. Số hàng trên của một công ty có trụ sở tại đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Đáng nói, khi tiến hành kiểm tra, kho hàng đông lạnh đang trong tình trạng… không bật máy lạnh. Một cán bộ chức năng cho biết, theo quy định, kho lạnh phải đủ âm 18 độ mới đảm bảo bảo quản thực phẩm. Nhưng vì… tiết kiệm điện nên nhân viên kho đã không tuân thủ quy định này.

Xác minh sơ bộ tại nơi tiêu thụ số thịt trâu nhập khẩu là bếp ăn của hai đơn vị cung cấp suất ăn trên địa bàn huyện Đông Anh, lực lượng chức năng xác định bếp ăn này đã sử dụng thịt trâu có nguồn gốc nhập khẩu. Tuy nhiên, nhãn mác ghi trên bao bì lại là thịt bò. Để làm rõ sự việc, lực lượng kiểm tra đã quyết định niêm phong toàn bộ kho hàng tại Khu công nghiệp Quang Minh để tiếp tục điều tra, làm rõ. 

Ông Trần Hùng cho biết, theo thông tin cơ quan Hải quan cung cấp, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 10.000 tấn thịt trâu đông lạnh được nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, loại thịt này rất ít được bày bán tại thị trường Hà Nội. Về mục đích thịt trâu “trá hình” thành thịt bò, vị Phó Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 Trung ương nhận định, là do lợi nhuận. Trên tờ khai của doanh nghiệp mà cơ quan chức năng có được, loại thịt trâu rẻ nhất nhập khẩu chỉ khoảng hơn 1.900 USD/tấn, tương đương khoảng 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt bò gắn mác nhập khẩu có giá không dưới 100.000 đồng/kg. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, xác minh đường đi của số thịt trâu nhập khẩu nêu trên.