Trường ngoài công lập: Đứng trước nguy cơ tan rã

ANTĐ - Đảm nhận tới 1/3 số lượng trẻ mầm non, 1/10 học sinh THPT, 1/7 sinh viên ĐH, hệ thống các trường ngoài công lập đã huy động lượng vốn tương đương 10.000 tỷ đồng trong một năm học nhưng nhiều trường đang đứng trước nguy cơ tan rã vì thiếu người học.

Cần đầu tư đích đáng cho những trường hoạt động hiệu quả, bất kể là công hay trường tư

Sự lãng phí khó kiểm soát

Trước kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, lo lắng trước những khó khăn nảy sinh về nguồn tuyển cũng như tương lai hoạt động của hệ thống các trường ngoài công lập khiến lãnh đạo các trường này tích cực phân tích và đưa ra các kiến nghị với Bộ GD-ĐT cũng như các cơ quan quản lý nhà nước để sử dụng hiệu quả số tiền đầu tư không nhỏ của xã hội đối với hệ thống đào tạo ngoài công lập.

Theo GS.TS Đặng Ứng Vận, trường ĐH Hòa Bình, dựa theo thống kê của Bộ GD-ĐT năm học 2010-2011 thì khu vực trường ngoài công lập đảm nhận giáo dục và đào tạo cho 1/2 số trẻ mẫu giáo, 1/20 học sinh tiểu học, 1/10 học sinh THPT, 1/5 sinh viên CĐ, 1/7 sinh viên ĐH. Nếu so với ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục thì khối ngoài công lập đã thu hút xã hội hóa với nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này tương đương 10.000 tỷ đồng. Xét về quy mô đào tạo cũng như nguồn vốn đầu tư thì vai trò của khối ngoài công lập là rất đáng kể.

Tuy vậy, với thực tế hoạt động hiện nay, nhiều trường đang đứng trước nguy cơ đóng cửa khi nguồn tuyển ngày càng hẹp. GS Hoàng Xuân Sính, ĐH Thăng Long cho biết, với mức đầu từ mở trường trung bình 200 tỷ đồng nhưng chỉ để xây dựng được một ngôi trường đơn sơ với ký túc xá đã ngốn gần hết số tiền này, chưa kể tiền đền bù đất và đầu tư thiết bị dạy học... trong khi lãi suất các trường phải chịu là 21%. Khó khăn về tuyển đầu vào lại càng hạn chế hoạt động của các trường khi thiếu nguồn thu. Hoạt động không hiệu quả, với  nguyên nhân chủ quan cùng nhiều nguyên nhân khách quan đang khiến cho hệ thống này lo lắng khi chưa tạo được những biến chuyển thực sự và đồng thời khiến cho nguồn vốn xã hội đầu tư cho hệ thống này không được sử dụng hiệu quả.

Đặt lại mối quan hệ giữa công và tư

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập phân tích về bất hợp lý trong cơ chế tài chính hiện nay. “Với người học, hiện nhà nước bao cấp cho sinh viên công lập trên dưới 70% chi phí đào tạo. Tại sao sinh viên ngoài công lập khi ra trường trách nhiệm và nghĩa vụ cũng giống như công lập lại không được phần bao cấp đó? Họ phải chịu 100% chi phí đào tạo, thậm chí chịu cả thuế doanh thu của trường được bổ đầu vào học phí trong khi tỷ lệ sinh viên ngoài công lập phần lớn là ở nông thôn, là người khó khăn.

GS Hoàng Xuân Sính cho biết, cho tới nay, ngoài ban hành quy chế và giấy phép cho mở trường thì hầu như các trường ngoài công lập chưa được nhà nước hỗ trợ điều gì. “Mặc dù vẫn có giải thích là mô hình này ra đời vì có khó khăn về tài chính cho các trường công nhưng như vậy là phiến diện. Để đầu tư cho giáo dục có hiệu quả, nhiều quốc gia đã thực hiện là đầu tư cho trường nào tốt, hoạt động hiệu quả, dù là công hay tư” - GS Hoàng Xuân Sính đề nghị.

GS Đặng Ứng Vận cho rằng nếu tiếp tục để các trường công, trường trọng điểm có quyền lấy tới điểm sàn thì đồng nghĩa với việc chiếm hết thị phần trường tư. Nếu không phân tầng kèm theo khống chế chất lượng đầu vào để tránh tình trạng trường trọng điểm cũng tuyển thí sinh đến điểm sàn thì mọi cố gắng của trường tư đều vô ích, đầu tư trọng điểm của nhà nước cũng lãng phí.

Với các ý kiến này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Từ trước tới nay chưa có cơ chế rõ ràng nên các trường không vì lợi nhuận có nhiều thiệt thòi. Sự công bằng giữa trường công và trường tư mới chỉ được bảo đảm trong chuyên môn, còn cơ chế tài chính còn có sự khác biệt giữa đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân. Về lâu dài, vấn đề này sẽ được xem xét, điều chỉnh để bảo đảm công bằng cho sinh viên các trường ngoài công lập”.