Trưởng đặc khu Hồng Kông lần đầu gặp gỡ báo chí, lý giải việc rút dự luật gây tranh cãi

ANTD.VN - Sáng 5-9, Trưởng đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) Carrie Lam đã có buổi họp báo đầu tiên, lý giải về việc rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Nhưng, bước ngoặt đầy kịch tính của chính quyền Hồng Kông đã thu hút nhiều sự hoài nghi hơn là hy vọng chấm dứt tình trạng hỗn loạn.

Một ngày sau khi tuyên bố rút dự luật dẫn độ, lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam cho biết, quyết định này được chính quyền Hồng Kông đưa ra, với sự ủng hộ của Bắc Kinh.

“Quyết định này do chính quyền đặc khu Hồng Kông đưa ra, cũng giống như quy trình giới thiệu luật và thực hiện sắp tới”, bà Carrie Lam nói trước giới phóng viên.

Bà Carrie Lam cho biết quyết định nói trên có liên quan đến cuộc đối thoại với 19 nhà lãnh đạo cộng đồng vào tháng trước, nhưng bà không giải thích được tại sao phải mất cả tháng mới đưa ra được phản ứng đối với yêu cầu đầu tiên của người biểu tình Hồng Kông.

Cuộc họp báo sáng 5-9 là lần đầu tiên bà Carrie Lam gặp gỡ báo chí để giải thích về quyết định mình, trước khi bà tới Nam Ninh ở Quảng Tây dự một hội nghị hợp tác khu vực thường viên - chuyến đi chính thức thứ hai ra ngoài Hồng Kông kể từ khi cuộc biểu tình khởi phát vào ngày 9-6.

Trưởng đặc khu Hồng Kông trong "vòng vây" của giới báo chí sáng 5-9

Dự luật dẫn độ, lần đầu được đề xuất vào tháng 2-2019, đã làm dấy lên các cuộc biểu tình rầm rộ khiến Hồng Kông rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Tuyên bố rút dự luật được đưa ra sau khi Hồng Kông biểu tình kéo dài nhiều tuần, đôi khi nổ ra đụng độ gay cấn tại vùng đặc khu hơn 7 triệu người. Hơn 1.000 người biểu tình đã bị bắt giữ. Việc rút dự luật là 1 trong 5 yêu cầu chính của người biểu tình.

Đây được coi là nước cờ nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng leo thang trong phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông hiện nay, nhưng giới quan sát nhận định động thái nhượng bộ còn “quá ít, quá muộn”.

Trước đó, thông báo trên truyền hình của mình hôm 4-9, bà Carri Lam đã giải quyết yêu cầu rút lại luật dẫn độ, nhưng không hoàn toàn chấp nhận một yêu cầu quan trọng khác, đó là mở cuộc điều tra độc lập về việc cảnh sát sử dụng vũ lực đối với người biểu tình. Thay vào đó, vị Trưởng đặc khu cho biết sẽ mời các nhà lãnh đạo cộng đồng và các chuyên gia để kiểm tra các vấn đề trong xã hội.