Trường công lo bị "rút ruột"

ANTĐ - Năm học 2015-2016, một trong những tình trạng phổ biến là học sinh trường công chuyển về các trường ngoài công lập có uy tín. Điều này được đánh giá là dấu hiệu tích cực đối với chất lượng giáo dục ngoài công lập nhưng cũng gây lo lắng với hệ thống trường công trước sự cạnh tranh không dễ vượt qua.

Trường công lo bị "rút ruột" ảnh 1Trường tư rộng mở chào đón học sinh mới

Một năm mất một lớp học

Không thể không lo lắng khi bắt đầu từ năm học trước, học sinh chuyển sang trường tư thục mới chỉ lác đác nhưng đầu năm học này, một trường tiểu học công lập ở quận Đống Đa đã mất 1 lớp học vì sự di chuyển này. Có thể thấy sĩ số của các trường tư thục đang nhân lên nhanh chóng như trường Vinschool chỉ sau 1 năm hoạt động, số lượng học sinh trong năm học mới này đã lên tới trên 5.000.

Các trường Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Marie Curie, Ngôi Sao, Lương Thế Vinh… học sinh đều phải trải qua một cuộc xét tuyển khá căng thẳng để giành được một suất học. Nhu cầu vào trường tư thục nhiều nhất tập trung vào khối tiểu học. Bà Nguyễn Thu Thủy - Hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS Pascal cho biết, nhà trường khá bất ngờ và tự hào khi lượng học sinh phần lớn chuyển từ các trường  công vào trường này trong năm học mới, khiến số học sinh lên gần 500 em sau 1 năm hoạt động.

Một hiệu trưởng trường công lập cho biết, trường công lập đang bị mất học sinh vào các trường tư thục một cách nhanh chóng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của trường khi sĩ số các lớp xáo trộn, thậm chí phải cắt hẳn 1 lớp để cho đủ sĩ số các lớp còn lại. Các giáo viên được cảnh báo về việc phải tự nâng cao chất lượng, thay đổi để thích ứng với xu hướng mới bởi nếu các năm trước, chỉ những học sinh yếu, kém, không hòa nhập được với môi trường học tập có phần căng thẳng của trường công lập mới chuyển sang trường tư thục thì nay nhiều học sinh khá giỏi, được bố mẹ quan tâm, đầu tư cũng tìm sang loại hình giáo dục này. Đây chính là nguyên nhân gây lo lắng đối với các hiệu trưởng trường công.

Đổi mới giáo dục, mở cơ hội cho trường tư

Phân tích về xu hướng này, cô N.A.X - Phó Hiệu trưởng một trường tiểu học quận Ba Đình cho biết, việc đổi mới đánh giá ở bậc tiểu học với mục tiêu phát triển toàn diện đã khiến các trường tư thục có sức hút mạnh hơn. “Có điều kiện về tài chính, các trường tư thục thỏa sức đầu tư các hoạt động ngoại khóa, chương trình tiếng Anh tăng cường, điều mà các trường công lập mơ ước.

Giảm nhẹ gánh nặng học Toán, Tiếng Việt, đổi mới phương pháp học tập, học theo nhóm, theo năng lực, sở thích, khá thích hợp với trường tư, trong khi các trường công bị bó buộc bởi sĩ số học sinh đông chưa thể triển khai được”. Nếu trường công chỉ hơn được các trường tư về diện tích cơ sở vật chất rộng rãi, thì các trường tư lại hơn hẳn về đầu tư cơ sở vật chất lớp học, sân bãi thể chất. “Nếu để con phát triển toàn diện với bậc tiểu học thì rõ ràng ưu thế đang nghiêng về trường tư thục” - cô giáo này đánh giá.

Đặc biệt với việc Bộ GD-ĐT cho phép các trường triển khai chương trình nhà trường dựa theo chuẩn kiến thức các bậc học, các trường tư thục có thực lực đều xây dựng định hướng riêng cho trường mình. Ở đây, các trường được tự quyết định về đổi mới phương pháp, dạy học tích hợp, dạy chuyên đề, tổ chức các dự án học tập… Phụ huynh sẽ không khó để nhận thấy các định hướng này có phù hợp với con mình hay không để chọn trường.

Trong khi đó, ở trường công, việc học tập dàn đều ở tất cả các môn học, chưa chú trọng vào phát triển thể chất, kỹ năng, đặc biệt là ít có điều kiện đầu tư tiếng Anh chất lượng cao, hoạt động ngoại khóa... Đấy là chưa kể do học sinh trên lớp quá đông, việc sát sao từng học sinh là bất khả thi với thầy cô giáo dẫn tới tình trạng học thêm ở công lập là tất yếu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều phụ huynh lựa chọn trường tư.

Tuy nhiên, việc quá kỳ vọng vào các trường tư thục cũng khiến nhiều phụ huynh “dở khóc, dở cười” khi năm học sau lại có những thay đổi hàng loạt, thiếu ổn định ở một số trường tư thục. Có trường đang hoạt động thì phải sáp nhập với trường khác, thay đổi địa điểm hay nhiều trường thì năm học mới chưa thực hiện được những hứa hẹn trước đó, rồi việc liên tục thay đổi giáo viên, thay đổi mức học phí khiến nhiều phụ huynh lại phải “bần cùng bất đắc dĩ” chuyển trường một lần nữa. 

Trước những “rủi ro” này, bà Trần Hải Yến - Giám đốc điều hành trường THCS Alpha cho rằng, phụ huynh nên nhìn nhận ở góc độ rộng hơn để tránh những quyết định mang tính chủ quan. “Hệ thống giáo dục công hay tư cũng đều có xác xuất về “rủi ro” riêng mà phụ huynh không kiểm soát được. Việc chọn lớp, chọn cô chẳng hạn, ở trường công phụ huynh phải đau đầu suy nghĩ, chọn được rồi thì cũng chỉ được 1 năm. Năm sau lại thay đổi. Đấy là chưa kể tới môi trường giáo dục, giáo viên đứng lớp, mỗi nơi một khác sẽ ảnh hưởng đến ý thức, tính cách, lối sống của học sinh…”.