Trường chất lượng cao: Thiếu tiêu chí đánh giá

ANTĐ - Mặc dù Bộ GD-ĐT khuyến khích các thành phố lớn phát triển mô hình trường cung ứng dịch vụ chất lượng cao nhưng việc chưa xây dựng được tiêu chí để công nhận mô hình này đang khiến các nhà quản lý lo ngại về sự nhập nhèm tên gọi.

Hà Nội mới chỉ có 6 trường mầm non cung cấp dịch vụ chất lượng cao


Nhập nhèm thương hiệu

Theo bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, việc áp dụng mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao trong các trường học nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của một bộ phận người dân có khả năng đóng góp với nhà trường để nâng cao chất lượng chăm sóc, học tập của con em, giảm gánh nặng đầu tư bằng ngân sách thành phố. Tuy nhiên, dù đã triển khai nhiều năm nay nhưng Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn khác vẫn chưa thể nhân rộng bởi chưa định hình được cho dịch vụ này.

Thực tế hiện nay toàn Hà Nội có 683 trường mầm non công lập nhưng chỉ có 6 trường đang hoạt động theo mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao theo chủ trương của thành phố về việc phát triển một số ngành dịch vụ chất lượng cao được đặt ra từ năm 2006. Trong khi đó, với hệ thống trên 170 trường tư thục, không ít trường tự quảng cáo về dịch vụ chất lượng cao gắn với yếu tố nước ngoài để dễ dàng nâng mức học phí chênh cả chục lần so với trường công lập.

Tìm hiểu môi trường của trường Mầm non 20-10, quận Hoàn Kiếm, một trong số 6 trường áp dụng mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao của Hà Nội, có thể thấy điều kiện phục vụ học tập, chăm sóc trẻ của trường khá hiện đại với diện tích hơn 4.500m2 với đủ các phòng chức năng âm nhạc, phòng tin học, phòng học tiếng Anh... Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Mầm non 20-10, cho biết, hiện trường cung cấp đa dạng các loại hình gửi trẻ như tổ chức ăn sáng, đón sớm trả muộn, bổ sung dinh dưỡng theo yêu cầu của phụ huynh... thực đơn dinh dưỡng cao, nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển tư duy trẻ, kỹ năng sống, tham quan, dã ngoại... Tương tự như vậy, trường Mầm non Mai Dịch, quận Cầu Giấy cũng được đầu tư lớn về cơ sở vật chất trên diện tích gần 7.000m2, tăng cường các dịch vụ chăm sóc trẻ như ăn sáng, tiệc buffet, tắm rửa, đón sớm, trả muộn, trông tối, trông thứ bảy, áp dụng phương pháp dạy học mới của trường quốc tế...    

Theo bà Phạm Thị Hồng Nga, hiện tại những trường này được đánh giá là những đơn vị dẫn đầu về chất lượng trong toàn thành phố nhưng “để đánh giá đây có phải là những trường mầm non chất lượng cao hay không thì còn phải xem xét, nghiên cứu” - bà Nga cho biết.

Lo ngại nhập nhèm “thương hiệu”

Theo bà Phạm Thị Hồng Nga, mặc dù Hà Nội đang có 6 trường mầm non thực hiện thí điểm mô hình trường cung ứng dịch vụ chất lượng cao, tự chủ tài chính nhưng mới chỉ có 3 trường được UBND quận phê duyệt đề án. Để phê duyệt được đề án trường chất lượng cao, bà Bùi Thị Vân Anh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết việc triển khai phải được tiến hành rất bài bản thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh, hội đồng sư phạm, duyệt từ cơ sở phường, các phòng chức năng của quận và cuối cùng mới được lãnh đạo quận phê duyệt. Để đáp ứng được yêu cầu của mô hình này, quận phải đầu tư ngân sách ban đầu khá lớn cũng như tuyển chọn nhân lực từ quản lý tới giáo viên có năng lực...

Điều đáng băn khoăn là cùng với việc đầu tư lớn của nhà nước để một trường có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chất lượng cao thì việc thiếu các tiêu chí xây dựng chuẩn khiến người dân khó phân biệt được đâu là trường chất lượng cao thực sự. Bà Bùi Thị Vân Anh cho biết, trong khi trường Mầm non Mai Dịch chỉ thu học phí ở mức 850.000 đồng/tháng với trẻ mẫu giáo và 1 triệu đồng/tháng với trẻ nhà trẻ thì cùng địa bàn nhiều trường tư thục học sinh phải đóng từ 200-250 USD, song không có điều kiện sân chơi, các dịch vụ cung ứng không đảm bảo chất lượng. Mặc dù vậy, các trường này có thể thoải mái quảng cáo, đặt tên là trường chất lượng cao chỉ với việc đưa vào trường chương trình dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. “Tình trạng trường chất lượng cao đang “trăm hoa đua nở” chính là bởi sự thiếu rạch ròi cho xã hội hiểu bởi thiếu tiêu chí đánh giá” - bà Bùi Thị Vân Anh lo ngại.

Đây cũng là vấn đề của các thành phố lớn khác như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng GD mầm non, Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết, hiện nay Hải Phòng cũng đang vướng về mô hình và tiêu chí trường chất lượng cao. Mặc dù sau khi tìm hiểu và đánh giá cao về các trường thí điểm mô hình dịch vụ chất lượng cao của Hà Nội nhưng bà Liên vẫn băn khoăn về việc nếu không làm rõ thế nào là mô hình dịch vụ chất lượng cao thì không thể thuyết phục phụ huynh và chính quyền khi chuyển đổi mô hình hoạt động của các trường.

Việc tiến triển chậm chạp của mô hình này trong khi nhu cầu thực khá lớn cho thấy vướng mắc chính vẫn là thiếu hành lang pháp lý. Phát biểu về việc ban hành các tiêu chí về dịch vụ chất lượng cao cũng như cơ chế đi kèm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ vẫn đang trong tiến trình xây dựng dù chủ trương đã được triển khai thực tế từ nhiều năm nay.