- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Thái độ trung thực trong nhận lỗi và sự tôn trọng của Công an Hà Nội với người dân”
- "Chuyện của anh em nhà Mem và Kya" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận Giải thưởng sách Quốc gia
- "Bài hát về cố hương" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xuất bản tại Colombia
Lò mổ chính là nơi đã khơi dậy trong tác giả nhiều câu hỏi về sự sống và cái chết, về cách con người chúng ta đang tồn tại. Để sống, liệu chúng ta có đang đẩy người khác vào cảnh sống đọa đày, khốn khổ không?
Tập trường ca này không chỉ là câu chuyện về quá khứ mà là hành trình tự vấn, đi tìm câu trả lời cho những trăn trở về ý nghĩa cuộc sống và sự tồn tại. Có lẽ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mong muốn, khi độc giả tiếp cận với Lò Mổ, họ cũng sẽ dừng lại để suy ngẫm về con đường mà nhân loại đã và đang đi, để nhìn nhận lại cách chúng ta đối xử với nhau và với môi trường chung quanh.
![]() |
Tập trường ca này nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã hoàn thành vào khoảng năm 2016, nhưng thực chất ý tưởng đã bắt đầu trong ông từ rất lâu, có lẽ là từ những năm tháng còn rất trẻ, khi ông cùng cha ghé qua lò mổ ở ngoại ô Hà Đông.
"Đó là lần đầu tiên trong đời tôi tiếp xúc với một không gian u ám, tàn khốc, nơi chứng kiến cảnh giết chóc của những con vật mà chính tôi cũng cảm nhận được nỗi đau và nỗi sợ hãi của chúng. Nhưng lò mổ không chỉ là nơi những sự sống bị chấm dứt một cách đau đớn, mà nó còn là một “vũ trụ” của những thân phận con người đầy ám ảnh, những người sống ở rìa xã hội với công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Đó là những người mà khi rời khỏi lò mổ, có lẽ họ vẫn giữ trong mình những vết thương tâm hồn, không khác gì những sinh linh phải chịu cảnh sát sinh trong đó" nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
![]() |
Với "Trường ca Lò mổ" tác giả muốn thử nghiệm và thay đổi. Trước đây, ông đã viết một trường ca khá truyền thống như: Những người lính của làng, nhưng ở Lò mổ, ông thay đổi rất nhiều về thi pháp, về ngôn ngữ, và cả hình thức.
Lò mổ không giống các tác phẩm thơ thông thường của ông mà có sự đa dạng, thử nghiệm trong hình thức thể hiện. Trường ca này kết hợp rất nhiều thể loại: từ thư từ, bản nháp, cho đến biên bản và đối thoại, đôi khi là những đoạn đối thoại tưởng chừng rất rời rạc, nhưng lại có một sự liên kết rất tự nhiên.
![]() |
Đây không chỉ là câu chuyện của một cá nhân, mà còn là nhiều giọng nói, nhiều cuộc đời chồng chéo lên nhau, cùng hòa vào để tạo nên một bức tranh đa chiều về những vấn đề của thế kỷ 20. Chúng ta có thể thấy ở đó sự phản ánh về thù hận, chiến tranh, bệnh tật - tất cả những điều đó đã và đang ăn mòn con người.
![]() |
Buổi ra mắt Trường ca Lò mổ của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sáng 15-2 tại NXB Hội Nhà văn |
"Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl đã đọc Lò mổ và nói với tôi rằng, tác phẩm này như một “bi ca” về thế kỷ 20. Nhưng Lò mổ không chỉ dừng lại ở sự u ám, đau thương, mà đằng sau đó là tiếng vọng của tình yêu và khát vọng sống. Mỗi con người trong đó, dù ở trong cảnh tối tăm, uất ức, nhưng vẫn cố gắng giữ lại chút gì đó là nhân bản, là niềm tin vào một ngày mai"- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Mỗi chương trong Lò mổ được tượng trưng bằng một bức tranh, và tất cả đều mang tên Nguyện cầu. Đây là một cách ông thể hiện niềm mong mỏi của mình - mong rằng, trong thế giới đầy rẫy sự hủy hoại, con người vẫn giữ được lòng thương yêu, lòng bao dung và khát khao một đời sống yên bình.
Các bức tranh đều là tranh khổ lớn, vẽ trên loại giấy đặc biệt của Pháp. Nguyễn Quang Thiều đã kết hợp nhiều chất liệu như màu nước, sơn dầu, acrylic, và chì để tạo nên sự hòa quyện riêng của cá nhân, từng lớp màu, từng mảng hình ảnh đậm chất tâm linh. Ông mong muốn: "Những bức tranh này sẽ không giống bất kỳ bức tranh nào tôi đã vẽ trước đây. Có thể nói rằng, Nguyện cầu không chỉ là một bộ tranh đi kèm với Lò mổ, mà chính là một phần sống động của tập trường ca này. Tôi muốn người đọc không chỉ nhìn tranh, mà còn cảm nhận được những suy tư mà tôi gửi gắm trong mỗi tác phẩm và hy vọng chúng sẽ mang đến cho độc giả những cảm nhận mới mẻ về nghệ thuật".
![]() |
Nhà thơ Mai Văn Phấn nhận định: “Lò Mổ” thực sự là một tuyệt bút trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Quang Thiều. Những trường ca mà ông viết trước đây giờ đã ở lại lưng đèo, nhường lối cho những bước chân dũng mãnh của con tuấn mã phi lên tới đỉnh, đỉnh cao của sự sáng tạo.
Nhà thơ Bruce Weigl (Mỹ) bày tỏ: "Trong 50 năm viết và suy nghĩ về thi ca, tôi chỉ dùng từ “kiệt tác” một vài lần, nhưng tôi dùng từ đó ở đây vì tôi tin vào sức mạnh của trưòng ca này và tôi tin là bạn cũng sẽ tìm được sức mạnh đó ở đây, và do đó tôi muốn bạn chú ý một cách thận trọng".