Trước thông tin phản ánh "cò" bán máu lộng hành, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức nói gì?

ANTD.VN - Trước thông tin phản ánh về tình trạng “cò” bán máu lộng hành ngay cổng Bệnh viện Việt Đức, bán máu cho người bệnh với giá cắt cổ, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khẳng định bệnh viện không có chủ trương nào bắt người nhà bệnh nhân phải cho máu mới được phẫu thuật.

Bộ phận sản xuất các chế phẩm máu tại Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Việt Đức

Theo phản ánh trên báo chí những ngày gần đây, lợi dụng tình trạng nhiều người bệnh vào mổ cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức cần truyền máu gấp nhưng do khan hiếm máu, lại không có người nhà đến hiến máu kịp thời, một số “cò” máu đã môi giới để bán máu cho người nhà bệnh nhân với giá cắt cổ hàng triệu đồng/ 1 đơn vị máu…

Trước thực trạng này, ngày 18-10, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đã có công văn 1291/KCB-QLCL&CĐT yêu cầu Bệnh viện Việt Đức kiểm tra, xử lý thông tin về những phản ánh liên quan đến hiện tượng ‘cò máu” kể trên.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, hôm qua, 23-10, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã có công văn trả lời thông tin báo chí phản ánh liên quan đến hiện tượng “cò” máu tại Bệnh viện này.

Theo đó, với đặc thù là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối của cả nước, năm 2017, số lượng ca mổ lên tới trên 65.000 ca, Bệnh viện Việt Đức luôn cần lượng máu rất lớn để phục vụ công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Vì thế, tại Bệnh viện Việt Đức có hẳn một Trung tâm truyền máu hiện đại, có thể thực hiện đồng thời các nhiệm vụ lấy, chiết tách các thành phần máu, lưu trữ bảo quản và cung cấp máu, các chế phẩm máu…

Công văn trả lời thông tin báo chí phản ánh về "cò" máu tại Bệnh viện Việt Đức

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, nguồn máu của bệnh viện đến từ 3 nguồn chính: tiếp nhận máu từ những người hiến máu trong cộng đồng, tiếp nhận máu từ Viện huyết học truyền máu Trung ương và tiếp nhận máu tại điểm hiến máu cố định trong bệnh viện bao gồm từ cán bộ y tế, nhân dân quanh khu vực và từ người nhà bệnh nhân.

“Hàng ngày, Bệnh viện mổ trung bình 150 ca mổ phiên, khoảng trên 30 ca mổ cấp cứu, hầu hết cần truyền máu. Có những loại máu và thời điểm không đủ cung cấp từ các nguồn trên, bệnh viện vận động người nhà người bệnh, người dân và cả cán bộ y tế của bệnh viện hiến máu để truyền cho người bệnh. Đây là một nghĩa cử cao đẹp giúp cứu sống người bệnh, nhiều người nhà người bệnh sẵn sàng hiến máu” – GS.TS Trần Bình Giang cho biết.

Cũng trong công văn này, Bệnh viện Việt Đức khẳng định với Bộ Y tế 4 điểm: Tại bệnh viện, không có trường hợp bệnh nhân nào không được phẫu thuật nếu không có người nhà hiến máu tình nguyện; Bệnh viện không có chủ trương, quy định nào về việc người nhà bệnh nhân phải cho máu mới được phẫu thuật;

Đặc biệt, không có cá nhân hay tổ chức nào trong bệnh viện mưu lợi hay tiếp tay cho những trường hợp "cò" máu, tất cả trường hợp "cò" máu khi bệnh viện phát hiện được đều đã tiến hành giao cho cơ quan Công an để xử lý theo pháp luật; Người nhà bệnh nhân nếu cho máu chỉ trong trường hợp cần nhóm máu hiếm đòi hỏi phải cùng huyết thống hoặc người nhà tình nguyện hiến máu khi nguồn cung không đủ.