Trước sự xuất hiện của virus corona Vũ Hán, châu Á từng đối mặt với những đại dịch nào?

ANTD.VN - Trong thời gian gần đây, đại dịch gây viêm phổi cấp do virus corona Vũ Hán đang được truyền thông quốc tế liên tục nhắc tới bởi tốc độ bùng phát và lây lan chóng mặt.

Trước sự xuất hiện của virus corona Vũ Hán, châu Á từng đối mặt với những đại dịch nào? ảnh 1

Virus corona đã bắt đầu lan rộng ở một số quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Italia, Phần Lan

“Virus corona Vũ Hán” là loại virus mới thuộc chủng corona (ký hiệu là 2019-nCoV), chưa từng được phát hiện trước đây. Nơi được xác định là khởi phát của đại dịch này là từ một từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. 

Virus corona mới có cơ chế lây lan qua đường hô hấp. Người mắc bệnh viêm phổi do loại virus này gây ra có các triệu chứng như sổ mũi, ho, sốt, đau họng và khó thở. Thậm chí, trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân còn bị suy yếu nội tạng và tử vong.

Theo báo cáo mới nhất của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, tính đến 9h sáng nay, ngày 1-2, đã có tổng cộng 11.949 trường hợp nhiễm virus corona và trong đó 259 người đã tử vong. Cùng với đó là 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) đã ghi nhận có những trường hợp nhiễm virus corona Vũ Hán.

Trước những diễn biến phức tạp đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với chủng mới của virus corona. Đây mới là lần thứ 6 WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Điều này gợi nhiều người nhớ lại những đại dịch kinh hoàng từng lấy đi mạng sống của hàng chục ngàn người mà châu Á từng đối mặt.

Đại dịch SARS

Trước sự xuất hiện của virus corona Vũ Hán, người dân châu Á đã từng phải chống lại với nỗi sợ về một đại dịch khác với nhiều nét tương đồng mang tên SARS.

Đại dịch SARS được phát hiện lần đầu tại Trung Quốc vào năm 2002. Đây là hội chứng gây ra viêm đường hô hấp cấp tính nặng do virus SARS-CoV (một chủng của virus corona). Các triệu chứng của SARS bao gồm sốt rét, đau nhức cơ thể và tiến triển thành viêm phổi cấp.

Trước sự xuất hiện của virus corona Vũ Hán, châu Á từng đối mặt với những đại dịch nào? ảnh 2

Trước sự xuất hiện của corona Vũ Hán,Việt Nam từng là nước đầu tiên trên thế giới được công nhận khống chế thành công đại dịch SARS (Nguồn: Zing)

Chỉ trong một thời gian ngắn, dịch SARS đã bùng phát và lây lan một cách nhanh chóng. Theo thống kê của WHO, từ ngày 1-11-2002 đến ngày 7-8-2003, dịch SARS lan rộng ra tới 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến 8.422 người mắc bệnh, trong đó có 916 người tử vong. Riêng tại Trung Quốc đã có tới hơn 5.327 ca nhiễm bệnh và 349 người tử vong trong số đó.

Ở thời điểm đó, giới chức y tế thế giới đã ban hành hàng loạt những biện pháp kiểm soát dịch bệnh rất nghiêm ngặt như việc đưa ra lệnh cấm xuất/nhập cảnh tới các nước đang có dịch, tập trung vào khâu phát hiện sớm với những trường hợp có biểu hiện của bệnh và nhanh chóng cách ly với khu vực có người nhiễm SARS.

Cho đến ngày 5-7-2003, WHO đưa ra thông báo đã kiểm soát thành công được đại dịch SARS trên toàn cầu.

Đại dịch MERS

Ngoài dịch SARS, chủng corona cũng chính là chủng của các loại virus gây ra Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS). Virus gây dịch bệnh MERS (MERS-CoV) được xác định bắt nguồn từ loài lạc đà ở Trung Đông. Trường hợp đầu tiên mắc bệnh MERS được ghi nhận tại Ả Rập Saudi vào tháng 9-2012.

MERS lây truyền qua con đường tiếp xúc với dịch cơ thể, đường hô hấp của người bệnh. Biểu hiện ban đầu của người bệnh thường là sốt và ho nhẹ. Sau đó, sẽ dẫn tới tình trạng hô hấp cấp tính nặng với các triệu chứng như rối loạn hô hấp, khó thở.

Dù mức độ lây lan không nhanh như đại dịch SARS, nhưng MERS vẫn rất nguy hiểm khi có tỉ lệ tử vong lên tới 30-40%. Cụ thể, kể từ khi xuất hiện vào năm 2012, dịch MERS đã gây ra hơn 2400 ca nhiễm và có khoảng 850 người đã tử vong về đại dịch này.

Bệnh bại liệt           

Bệnh bại liệt là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Polio gây ra. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Virus gây bại liệt thường lây truyền qua đường tiêu hóa. Khi nhiễm vào cơ thể, virus Polio sẽ lan vào hệ thần kinh trung ương, làm suy yếu các cơ và gây ra bại liệt.

Có khoảng 90% ca nhiễm bệnh bại liệt không để lại bất kỳ di chứng nào. Một số ít trường hợp virus sẽ tấn công vào hệ thần kinh trung ương gây phá hủy các tế bào thần kinh vận động làm cho các cơ yếu đi và gây liệt phần mềm cấp tính. Trong một số trường hợp diễn biến nặng, bệnh có thể dẫn đến liệt hai chân và nửa thân dưới. Nếu tổn thương lan tới não, người bệnh sẽ thường khó thở và dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.

Trước tình trạng trên, vào tháng 5-2013, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu với căn bệnh bại liệt. Kể từ thời điểm đó tới nay, đã có 19 quốc gia tuyên bố đã “xóa sổ” thành công bệnh bại liệt này.

Đại dịch cúm A-H1N1

Năm 2009 là lần đầu tiên WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu bởi đại dịch cúm A-H1N1. Thậm chí WHO còn sử dụng mức báo động 6 để đánh giá về nguy cơ y tế của đại dịch cúm này với thế giới.

Trước sự xuất hiện của virus corona Vũ Hán, châu Á từng đối mặt với những đại dịch nào? ảnh 3

Sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), ho khan kèm theo biểu hiện đau họng, sổ mũi, người mệt mỏi, đâu đầu… là những biểu hiện đầu tiên của bệnh cúm A-H1N1

Đây là dịch cúm do một loại virus thuộc chủng H1N1 có nguồn gốc từ lợn và được phát hiện lần đầu vào tháng 3-2009 tại Mexico. Dịch cúm A-H1H1 đã lan nhanh tới 214 quốc gia với tổng số 575.000 ca nhiễm bệnh và khiến 18.000 thiệt mạng. Trong đó, Việt Nam là quốc gia thứ 23 ghi nhận có trường hợp nhiễm cúm A-H1N1.

Virus cúm A-H1N1 có thể dễ dàng lây lan từ người sang người qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người thường cũng có thể mắc cúm do tiếp xúc với bề mặt vật dụng có nhiễm virus. Ngoài ra, việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh có nguy cơ bị lây nhiễm virus cúm A-H1N1.