Trước ngưỡng cửa năm mới 2013: Hy vọng một nền kinh tế lành mạnh

ANTĐ - Như vậy một năm khó khăn đã đi qua. Nhìn lại những gì đạt được cùng tất cả những gánh nặng còn đè nặng lên nền kinh tế cũng như đời sống nhân dân chúng ta cùng hy vọng một năm mới yên lành.

Báo cáo tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, tổ chức trong hai ngày 25, 26-12-2012, Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2012 nền kinh tế đã có sự phát triển hợp lý với lạm phát được kiềm chế ở mức 6,81%, tăng trưởng GDP đạt 5,03%, lần đầu tiên trong nhiều năm nước ta đã xuất siêu 284 triệu USD trong thương mại quốc tế.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, đây là sự phát triển hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng trưởng GDP 5,03% là một “con số rất đáng quý”. 

Những gánh nặng khổng lồ

Nhưng thực tế đây cũng là  “con số đáng sốt ruột” lý do là vì, các nước xung quanh, như Lào, Campuchia đều có mức tăng trưởng kinh tế khá cao (7 - 8%). Trong khi nợ xấu vẫn như một cục máu đông, nhiều lao động mất việc làm, còn thị trường BĐS vẫn đang ở kỷ băng hà. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, năm 2012, có tới gần 1 triệu lao động mất việc làm và 1,45 triệu lao động thiếu việc làm. Đây có thể nói là hệ quả của việc hơn 51.800 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, ngừng hoạt động và tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,03% trong năm qua. Cùng với nó là sự suy giảm thu nhập của phần lớn nhân dân dẫn đến sức mua giảm nghiêm trọng. Hàng tồn kho không chỉ là gánh nặng của doanh nghiệp mà còn là gánh nặng của cả xã hội. Nó cũng là nguyên nhân của gánh nặng nợ xấu của các ngân hàng thương mại, rào cản lớn của mọi kế hoạch phát triển kinh tế. 

Thêm nữa dù lạm phát đã được kiềm chế rất tốt, chỉ ở mức 6,81%, song một cách thẳng thắn, lạm phát vẫn cao hơn tăng trưởng. Hơn nữa, theo ông Đỗ Thức “lạm phát cơ bản, theo tính toán của chúng tôi vẫn là 9 - 10%’. Còn chuyện sau 20 năm, Việt Nam lại có được thặng dư cán cân thương mại (284 triệu USD) là đi ngược lại quy luật kinh tế, các nước đang phát triển nói chung. Ở một nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu, thì trên một bình diện nào đó, xuất siêu đã phản ánh sự trì trệ của sản xuất trong nước, không chỉ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế năm 2012, mà ít nhất trong cả quý I/2013. Thêm vào đó, ngay cả Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng không khỏi băn khoăn khi tăng trưởng xuất khẩu năm nay (18,3%) chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu như năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 17,72 tỷ USD, thì chỉ riêng khu vực FDI (không tính dầu thô) đã đóng góp trên 16 tỷ USD, chiếm gần 90,4% (nếu tính cả dầu thô, chiếm gần 96,9%). Câu hỏi về sức khỏe và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa, đương nhiên sẽ được đặt ra một cách đầy lo ngại.

Nhưng gánh nặng lớn nhất chính là cho đến nay chúng ta chưa có được một phương thuốc hữu hiệu để trị tận gốc những căn bệnh trọng của nền kinh tế. Cho đến thời điểm này những biện pháp đưa ra vẫn chưa cho thấy một kế hoạch có tính khoa học và thống nhất đến từng hành động. Mối quan hệ giữa chống lạm phát và tăng trưởng, giữa các biện pháp an sinh xã hội và tận thu để đảm bảo thu ngân sách, giữa kích cầu, giúp đỡ các doanh nghiệp phát triển và các chính sách về tài chính… đều chưa đồng thuận nếu không nói có nhiều lúc còn trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Các biện pháp giải cứu mới đưa vào đời sống chưa thể hiện được vai trò của nó mà nếu có thì cũng rất hạn chế, trong khi đó giá của những biện pháp đó rất cao. Có thể đưa một số ví dụ như việc bơm vốn 38.000 tỷ để cứu ngành nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra. Đây là một ý tưởng tốt, nhưng việc bơm vốn lại thông qua các ngân hàng thương mại mà các ngân hàng thương mại đang còn vô khối vấn đề cần phải giải quyết, và vì vậy chỉ có 10.000 tỷ là vốn thật cung cấp cho các doanh nghiệp nuôi, chế biến xuất khẩu cá tra.

Để giảm tồn kho BĐS biện pháp sử dụng khoảng 40.000 tỷ để bù lãi suất mua nhà, là chưa hề tính đến nhu cầu thị trường. Không thể nói là rất nhiều người Việt Nam chưa được ăn và muốn ăn thịt bò Kobe (Nhật Bản) để nhập khẩu hàng chục nghìn tấn về mà không tính rằng rất ít người Việt có khả năng tài chính để ăn thịt bò với giá 700 USD/kg. Tính rằng người Việt vẫn có nhu cầu mua nhà và chỉ cần cho vay tiền lãi thấp là người ta đua nhau đi mua nhà là chưa đúng. Không kể việc cổ vũ chia nhỏ các căn hộ lớn thành những căn hộ nhỏ 25-30m2 là phá huỷ quy hoạch xây dựng và lại tạo ra các khu ổ chuột mới tạo thêm gánh nặng cho tương lai. Bài học về các khu chung cư cũ ngành xây dựng học mãi chưa thuộc.

Hình như nền kinh tế chúng ta mặc dù xác định là nền kinh tế thị trường nhưng chưa bao giờ các quy luật của thị trường được tôn trọng. Có thể đã đến lúc giảm các mệnh lệnh hành chính can thiệp vào thị trường mà để thị trường tự điều tiết. Tóm lại những bài học của năm 2012 đòi hỏi phải có một tư duy điều hành mới hơn, khoa học hơn tư duy thiếu đâu đắp đấy, rách đâu vá đấy…

Ổn định vĩ mô là mục tiêu hàng đầu năm 2013

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm 2013 đa được chính phủ công bố. Trong đó tăng trưởng GDP phải đạt 5,5% lạm phát thấp hơn 6,9% tăng trưởng tín dụng 12%..

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trình bày tại Hội nghị về  triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, đã chỉ ra 9 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó xác định ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu.

Trong nhóm giải pháp đầu tiên, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo NHNN điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa theo mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu hạn chế tối đa khởi công dự án mới sử dụng ngân sách Nhà nước. Kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả, phân bổ và sử dụng vốn không đúng đối tượng. Không ứng trước vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình, dự án, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh cấp bách.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất là nhóm giải pháp được xác định là trọng tâm, cấp thiết. Theo đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, giảm lãi suất cho vay, từng bước thu hẹp lãi suất huy động và cho vay. Chính phủ  tập trung chỉ  đạo, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương để thực hiện các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm; tập trung xử lý các mặt hàng tồn kho cao, nhất là sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng.

Bên cạnh hai nhóm giải pháp ưu tiên nêu trên, năm 2013 Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện tốt 7 nhóm giải pháp khác, bao gồm đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân…

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, gồm 3 nội dung lớn về giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; giải quyết nợ xấu; tổ chức thực hiện.

Nội dung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tập trung vào 4 nhóm công việc gồm: giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư; giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm; giải pháp về vốn, tín dụng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. 

Như vậy một kế hoạch được đề ra. Vấn đề là triển khai thực hiện. Có thể nhận thấy trong những giải pháp được nêu trong dự thảo nghị quyết của chính phủ chưa thấy các biện pháp thúc đẩy khả năng tự điều tiết của thị trường. Chính vì vậy, trong những hy vọng được thắp lên, lại có một nỗi lo lắng, đó là nỗi lo về bóng ma của một nền kinh tế thị trường …có kế hoạch(!).