Trước hết phải kiếm được tiền

ANTĐ - Kinh tế suy thoái, từ VFF đến CLB đều đang chung cảnh “thắt lưng buộc bụng”. Bản quyền truyền hình bị “ế”, các nhà bảo trợ lần lượt… mất hút đặt VPF vào thế phải căng mình gồng gánh các giải đấu. Chưa bao giờ, bài toán kiếm tiền lại nan giải với bóng đá Việt như thời điểm này. 

V-League lâu nay chỉ như “cối xay tiền”. Ảnh Quang Thắng

Viễn cảnh ảm đạm

Tiền bạc đang khiến làng bóng Việt đau đầu. “Thắt lưng buộc bụng” trở thành chính sách bắt buộc để một đội bóng có thể tồn tại. Thế nhưng, đó có lẽ chưa phải cái đáy của sự khủng hoảng khi mà mùa giải 2013 và các năm sau nữa được dự báo sẽ còn khó khăn hơn gấp bội. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ sau chuyến khảo sát tài chính các CLB đã bày tỏ lo ngại: “Nhiều đội chắc chắn sẽ bỏ cuộc nếu tiếp tục thua thêm 2 hay 3 vòng đấu nữa”. Giới ông “bầu” làm bóng đá thừa nhận “V-League là cái cối xay tiền”, chỉ lỗ chứ chưa bao giờ lãi. Còn nhớ, VPF trong buổi đầu thành lập đã vẽ ra một viễn cảnh màu hồng, rằng có thể lấy bóng đá nuôi bóng đá. Cụ thể, các CLB sẽ được hưởng lợi từ số tiền 50 tỷ đồng/năm mà Hội đồng bảo trợ cam kết ủng hộ, cộng với nguồn tiền bán bản quyền truyền hình, quảng cáo… Riêng khoản tiền bán bản quyền, Phó Chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức từng khẳng định có thể mang về hơn 100 tỷ đồng/ năm.  

Ở thời điểm đó, sau những tính toán khoa học được đưa ra, không nhiều người hoài nghi tính khả thi của bản kế hoạch “lấy bóng đá nuôi bóng đá”. Thế nhưng thực tế lại không được như kỳ vọng. Con số gần 50 tỷ mà VPF công bố thu về sau mùa giải 2012 kém xa so với tính toán và dự báo sẽ còn thấp hơn ở mùa giải năm nay. Lý do là chất lượng giải không tăng, trong khi số trận đấu lại giảm, đồng nghĩa số tiền bán bản quyền, quảng cáo giảm theo. Chưa kể, các đài truyền hình ngày một thiếu mặn mà với bản quyền V-League, minh chứng là sau 2 vòng đấu qua, số các trận đấu được lên sóng trực tiếp giảm quá nửa so với mùa giải trước. 

Lá phiếu thực dụng

Ở bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, Đại hội VFF khóa VII với điểm nhấn là chọn ra tân chủ tịch VFF được kỳ vọng sẽ giúp bóng đá Việt Nam phát triển tích cực. Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh nhìn nhận: “Mọi tuyến bố hùng hồn hay chiến lược vĩ mô đều sẽ trở nên sáo rỗng nếu tân chủ tịch không làm được điều tối thiểu là giúp bóng đá Việt “sống” được trong thời điểm khó khăn hiện nay”. Thời điểm này, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Lê Hùng Dũng có vẻ như đang chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh ghế chủ tịch VFF với người đồng cấp Phạm Văn Tuấn. Theo tìm hiểu của PV Báo ANTĐ, trong 77 lá phiếu đề cử gửi tới VFF, đại đa số ủng hộ ông Lê Hùng Dũng. Ở VFF, ông Dũng nổi tiếng là người giỏi kiếm tiền. Bằng các mối quan hệ riêng, người hiện đang nắm cương vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng ximbank và Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn này đóng vai trò cầu nối bóng đá với các nhà tài trợ. Thậm chí ở mùa giải 2013, cả 3 giải đấu V-League, hạng Nhất và Cúp quốc gia đều đang thở chung số tiền tài trợ 47,3 tỷ đồng từ ngân hàng Eximbank. 

Đại diện một CLB chia sẻ: “Để bóng đá nội thoát khỏi khủng hoảng và phát triển rất cần một người có óc kinh doanh và nắm vị trí quan trọng trong xã hội. Sắp tới, cá cược hợp pháp được chính thức áp dụng, khi đó cần một người am hiểu về thương trường, chiến lược kinh doanh. Đó là những lý do mà chúng tôi đề cử ông Lê Hùng Dũng làm Chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới”. Rõ ràng, kiếm tiền giỏi giờ cũng có thể xem như tiêu chí để chọn tân chủ tịch VFF. Thế nên, những lá phiếu ủng hộ Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Lê Hùng Dũng chèo lái “con thuyền” bóng đá Việt Nam tuy có phần thực dụng nhưng lại là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh khó khăn kinh tế ngày một chất chồng.