Trước 31-3: Làm rõ nguyên nhân nứt mặt cầu Thăng Long 

(ANTĐ) - Sau thời gian thông xe trở lại, hiện nay trên mặt cầu Thăng Long đã xuất hiện một số vết nứt chủ yếu phía làn xe từ Nội Bài về Hà Nội. Theo QLDA 2 (đại diện chủ đầu tư Dự án thảm mặt cầu Thăng Long - Bộ GTVT), hiện có khoảng 10 vết nứt tập trung phía đầu cầu Hà Nội ở làn xe từ Nội Bài về.

Trước 31-3: Làm rõ nguyên nhân nứt mặt cầu Thăng Long 

(ANTĐ) - Sau thời gian thông xe trở lại, hiện nay trên mặt cầu Thăng Long đã xuất hiện một số vết nứt chủ yếu phía làn xe từ Nội Bài về Hà Nội. Theo QLDA 2 (đại diện chủ đầu tư Dự án thảm mặt cầu Thăng Long - Bộ GTVT), hiện có khoảng 10 vết nứt tập trung phía đầu cầu Hà Nội ở làn xe từ Nội Bài về.

Xử lý vết nứt trên mặt cầu
Xử lý vết nứt trên mặt cầu

Bên cạnh vết mới hình thành thì có vết đã xuất hiện từ khoảng một tháng nay. Một số vết nứt rộng tới 3-4cm, còn lại là những vệt nhỏ. Mặt cầu Thăng Long mới sửa chữa và vẫn đang trong thời gian bảo hành nên Ban QLDA 2 đã giao nhà thầu xử lý.

Nguyên nhân của những vết nứt này chưa được xác định cụ thể, tuy nhiên, nhận định ban đầu, đây có thể chỉ là những vết nứt cục bộ không ảnh hưởng đến an toàn đi lại trên cầu. Ban đã chỉ đạo nhà thầu vá tạm để tiếp tục theo dõi. Hiện Ban đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, Viện Khoa học và công nghệ Bộ GTVT và Bộ GTVT đề nghị làm rõ nguyên nhân gây ra những vết nứt trên để có biện pháp xử lý.

Được biết, đơn vị thi công trực tiếp hạng mục thảm mặt cầu Thăng Long là Công ty CP Đầu tư và xây dựng Bảo Quân. Mới đây, Bộ GTVT đã có cuộc họp với sự tham gia của Viện Khoa học và công nghệ, Vụ Khoa học và công nghệ, Cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA 2, nhà thầu thi công... để tìm nguyên nhân và giải pháp xử lý. Hạng mục này vẫn đang trong thời hạn bảo hành một năm nên Bộ GTVT đã chỉ đạo nhà thầu tiến hành cào bóc và thảm lại những vùng bị nứt.

Chiều 22-3, Tiến sỹ Doãn Minh Tâm (Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, đơn vị trực tiếp thiết kế, tư vấn, giám sát dự án sữa chữa mặt cầu Thăng Long) khẳng định công nghệ và vật liệu sử dụng để sửa chữa mặt cầu được nhập khẩu là tốt và ưu việt. Cầu Thăng Long là một  trong số ít cây cầu có kết cấu sử dụng mặt bản thép ở Việt Nam. Tuy chưa từng sử dụng vật liệu này trên cầu mặt bản thép, nhưng trước khi lựa chọn, Viện đã cử cán bộ sang Trung Quốc tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về việc sử dụng loại vật liệu nói trên đối với cầu mặt bản thép.

Tiến sỹ Tâm cho biết, diện tích các vết nứt trên cầu chiếm 3/1.000 tổng diện tích mặt cầu. Hiện nay, Viện đã xây dựng đề cương xác định nguyên nhân, đề xuất phương án xử lý các vết nứt để trình các cơ quan chức năng phê duyệt và phấn đấu xác định rõ nguyên nhân và biện pháp xử lý trước ngày 31-3 theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GTVT.

Huệ Chi