Trung úy cảnh sát 34 lần hiến máu cứu người

ANTĐ - Trẻ trung, năng động và căng tràn nhiệt huyết đó là điều chúng tôi nhận thấy ở anh Cảnh sát khu vực (CSKV) - Trung úy Nguyễn Hồ Ngọc Hải (29 tuổi), Công an phường Tân Lập, TP Nha Trang. 
Từ lần hiến máu đầu tiên vào năm 2006 khi còn là sinh viên năm cuối Trường Trung học An ninh nhân dân II, đến nay, Trung úy Nguyễn Hồ Ngọc Hải đã 34 lần hiến máu cứu người. Hiện nay, anh Hải còn là 1 trong 10 “ngân hàng máu sống” của Trung tâm huyết học - Truyền máu tỉnh Khánh Hòa và là 1 trong 2 người có số lần hiến máu tình nguyện nhiều nhất của tỉnh Khánh Hòa.

“Là anh Cảnh sát khu vực à?”

Là một CSKV còn trẻ, song vì là người có khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt nhất của đơn vị, nên anh Hải được chỉ huy Công an phường Tân Lập phân công phụ trách tổ dân phố Nguyễn Thiện Thuật nam từ gần 6 tháng nay. Đây là khu dân cư có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, luôn có đông người nước ngoài lưu trú và cũng có khá nhiều nhà hàng, khách sạn nên tình hình an ninh trật tự luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Do là địa bàn mới nên hầu hết thời gian trong ngày anh Hải ở cơ sở cùng với cán bộ tổ dân phố tìm hiểu nắm tình hình. Vì thế, phải mất ba lần điện thoại, chúng tôi mới gặp được anh.


Trung úy Nguyễn Hồ Ngọc Hải

Nói về việc hiến máu, Trung úy Nguyễn Hồ Ngọc Hải cho biết, lần đầu tiên anh đi hiến máu là hưởng ứng phong trào “Giọt máu nghĩa tình”, do trường Trung học An ninh Nhân dân II phát động. Anh Hải tâm sự: “Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là đi cho có phong trào thôi. Thế nhưng, sau lần đầu tiên ấy khoảng 2 tháng, một thầy giáo trong trường bị tai nạn giao thông và phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cấp cứu.

Do mất máu nhiều nên tính mạng của thầy đang trong tình trạng nguy kịch. Sau khi được nhà trường thông báo, tôi đã tức tốc đến Bệnh viện Chợ Rẫy để truyền máu cho thầy, vì tôi được biết có cùng nhóm máu với thầy”. Cũng từng có cảm giác hồi hộp và lo lắng sau lần hiến máu lần đầu tiên, nhưng đến lần hiến máu thứ hai cảm giác ấy đã hoàn toàn tan biến và thay vào đó là tâm trạng vui mừng khi anh Hải biết rằng những giọt máu của mình đã góp phần giữ được tính mạng của người thầy giáo mẫu mực và tài năng của nhà trường. Sau lần ấy hiến máu cho thầy giáo, Hải nghĩ: “Có lẽ còn nhiều người bệnh khác rất cần đến máu để chữa trị?”.

Cùng với công việc học tập và rèn luyện vốn tất bật của một sinh viên năm cuối, nhưng anh Hải luôn dành thời gian để đi hỏi các y, bác sĩ trong trường để được tư vấn và tìm đọc các tài liệu có liên quan đến sức khỏe của người cho máu. Qua tìm hiểu, anh Hải cũng đã biết được đã có nhiều người hiến máu tình nguyện nhiều lần mà sức khỏe và khả năng lao động vẫn bình thường. Và vì thế anh Hải dã dần hình thành suy nghĩ: “Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp, chia sẻ một phần máu của mình mà có thể cứu sống được mạng người, mình cảm nhận được điều đó thật thiêng liêng”.

Cuối năm 2006, sinh viên Nguyễn Hồ Ngọc Hải tốt nghiệp và được về công tác tại Công an phường Vạn Thạnh, TP Nha Trang. Công việc ban đầu của một Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn tuy rất bận rộn và vất vả, song anh cảnh sát trẻ vẫn không quên ý định đến Trung tâm huyết học - Truyền máu tỉnh Khánh Hòa để đăng ký hiến máu. Lần thứ nhất, lần thứ hai, rồi đến lần thứ ba… anh CSKH tên Hải đến hiến máu theo chỉ dẫn của bác sĩ và cảm nhận được sức khỏe của mình vẫn… rất ổn.

Vậy là kể từ đó, anh Hải quyết định “lên lịch” vào điện thoại và cứ 3 tháng một lần điện thoại reo vang cũng là lúc anh Hải lại chạy xe đến Trung tâm huyết học - Truyền máu tỉnh Khánh Hòa trên đường Quang Trung (Nha Trang) để hiến máu tình nguyện. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay ở Khánh Hòa, Trung úy Nguyễn Hồ Ngọc Hải là một trong mười “ngân hàng máu sống” của Trung tâm huyết học – Truyền máu tỉnh Khánh Hòa và là một trong hai người có số lần hiến máu nhân đạo nhiều nhất trong tỉnh. Ngoài việc hiến máu định kỳ (3 tháng 1 lần), anh Hải còn tham gia hiến máu cho những người bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa trong những trường hợp cẩn kíp.

Mỗi lần đi hiến máu đối với anh CSKV Nguyễn Hồ Ngọc Hải lại là một kỷ niệm, vui có mà buồn cũng có. Anh Hải kể rằng: “Vào tháng 4/2010, khi tôi đang cùng gia đình ăn cơm trưa thì có điện thoại của Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Biết là có bệnh nhân đang cần máu gấp nên chỉ kịp uống xong ly nước tôi tức tốc lên đường. Khi đến nơi tôi mới biết đó là ca một phụ sản ở phường Vạn Thạnh. Sản phụ sau sinh bị băng huyết, đang trong cơn nguy kịch và cần gấp một lượng lớn tiểu cầu. Sau 60 phút, các bác sĩ mới thực hiện xong việc lấy tiểu cầu của tôi để truyền cho sản phụ. Và cuối cùng người sản phụ đó được cứu sống”. Nắm chặt tay người đã cho máu cứu vợ mình, người chồng sản phụ nghẹn ngào: “Ôi! là anh Cảnh sát khu vực à. Gia đình tôi ơn anh nhiều lắm!”.

Thì ra anh chồng người sản phụ này chạy xe ôm ở khu chợ Đầm, nơi mà trước đây anh Hải đã làm CSKV ở đó gần 3 năm sau khi tốt nghiệp. Sau đó người đàn ông này cứ dúi vào tay anh Hải 500 ngàn đồng, nhưng anh Hải vẫn nhất quyết không nhận. Đó là một kỷ niệm khó phai. Thế nhưng, sau nhiều năm tình nguyện hiến máu cứu người, anh Hải cũng có những kỷ niệm buồn, mặc dù biết trước nhưng anh vẫn thấy cay cay nơi sống mũi. Anh Hải kể lại, đó là trường hợp của 2 bệnh nhân ung thư máu ở TP Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa. Cả hai bệnh nhân này đều là những em nhỏ mới 8-9 tuổi. Anh Hải biết việc cho máu hai em nhỏ này cũng chỉ nhằm kéo dài thêm sự sống cho các em vì đó là căn bệnh nan y mà đến nay ngành Y học vẫn phải “bó tay”. Vẫn biết điều xấu sẽ phải xảy ra nhưng khi nghe tin cả hai em đều đã mất, anh Hải đã không kìm được những giọt nước mắt.

Luôn giữ mình được khỏe để hiến máu cứu người

Trung tá Hồ Ngọc Lan - cán bộ Phòng Hậu cần Công an tỉnh Khánh Hòa và là mẹ của anh CSKV Nguyễn Hồ Ngọc Hải, chia sẻ: “Hải đi hiến máu mấy năm rồi nhưng cả nhà đâu có biết. Mãi đến đầu năm 2010, một người bạn của Hải nói chuyện, gia đình mới biết việc nó thường xuyên đi hiến máu nhân đạo. Ban đầu cũng lo sợ lắm chứ, cũng cấm đoán, khuyên răn nó. Rồi đúng cái buổi trưa nó đi cho máu về, cười khoe với cả nhà rằng nó vừa cho máu cứu sống một sản phụ. Định thần tôi nghĩ lại thấy việc làm của nó cũng có nhiều ý nghĩa nên từ thời điểm ấy cả nhà cũng đồng ý với việc nó làm. Đến giờ cậu em Hải cũng thỉnh thoảng đi hiến máu đấy”.

“Không chỉ ba mẹ tôi đâu, mà bạn bè và đồng nghiệp của tôi cũng vậy. Ban đầu thấy việc tôi làm họ bảo là khùng, là điên. Rồi lâu dần cũng không thấy ai nói gì nữa, thậm chí có một số bạn bè trước kia nói tôi nhiều nhất thì nay lại bảo tôi là khi nào Bệnh viện cần nhóm máu này, máu kia thì cứ gọi cho chúng nó. Hôm vừa rồi, một đồng đội trong đơn vị còn cùng tôi đi hiến máu nữa”, anh CSKV Nguyễn Hồ Ngọc Hải nói và cười hiền.

Trung úy Nguyễn Hồ Ngọc Hải cho rằng, bản thân là người cho máu để cứu những người bệnh, nên anh luôn phải giữ làm sao dòng máu của mình luôn phải “sạch và tốt”. Để làm được điều ấy, anh Hải đã tạo cho mình những thói quen tích cực trong ăn uống hằng ngày cũng như việc thường xuyên rèn luyện sức khỏe. Với thể trạng và sức khỏe hiện tại, cứ 3 tháng một lần anh lại đi hiến một đơn vị máu. Nói về người cán bộ của mình, Trung tá Nguyễn Minh Hùng - Trưởng Công an phường Tân Lập cho biết: “Đồng chí Hải là một cán bộ trẻ, năng nổ, nhiệt tình luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một CSKV phụ trách địa bàn. Công an phường đánh giá cao và ủng hộ nghĩa cử cao đẹp của Trung úy Nguyễn Hồ Ngọc Hải cũng như một số chiến sĩ trẻ trong đơn vị”.

Ở độ tuổi đầy sung sức, ngoài việc nỗ lực hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, anh Hải vẫn sẽ tiếp tục vừa tình nguyện hiến máu, tích cực tuyên truyền, vận động cho mọi người thấy được hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp và những nghĩa cử cao đẹp ấy sẽ nối dài được mạch sống cho những người khác.

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Thị Chi - Phó Giám đốc Trung tâm huyết học - Truyền máu tỉnh Khánh Hòa: Xuất phát từ tấm lòng hiến máu cho người khác là một nghĩa cử cao đẹp, qua mỗi lần hiến máu Hải lại trở thành một người nhiệt tình hơn. Bất kể khi nào, hễ Trung tậm gọi là Hải đến để cho máu. Không những cho máu mà Hải còn là thành viên tích cực nhất trong những người cho tiểu cầu. Người cho máu có thể tới Trung tâm cho trong khoảng 10-15 phút rồi ra về, nhưng cho tiểu cầu thì người cho phải nằm gắn liền với một cái máy (giống như máy chạy thận), xong mới lọc máu để lấy tiểu cầu, sau đó lại trả trả lại hồng cầu cho Hải. 
Thời gian để thực hiện việc lấy tiểu cầu phải mất từ 60-90 phút, tuy nhiên, đến nay Hải đã 5 lần cho tiểu cầu để cứu những bệnh nhân. Thông thường những bệnh nhân giảm tiểu cầu còn nặng nề hơn những bệnh nhân thiếu máu vì khi giảm tiểu cầu, bệnh nhân có thể bị xuất huyết não, hôn mê, chảy máu cấp… Vì thế, việc cho tiểu cầu thường được sử dụng lúc bệnh nhân nguy cấp. Người hiến tiểu cầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay chưa đến 10 người. Hải rất là năng nổ và nhiệt tình. Có hôm chúng tôi gọi Hải đến, thì thấy Hải bị tai nạn đang băng bó tay, thấy vậy chúng tôi cảm động lắm.