Trung tâm tư vấn du học: Bát quái trận đồ

ANTĐ - Mặc dù đã tham khảo nhiều người thân quen, nhưng khi trực tiếp đến các trung tâm tư vấn du học để tìm cho cô con gái  vừa tốt nghiệp THPT địa chỉ du học đáng tin cậy, chị Thanh Phương, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên như lạc vào mê hồn trận.

Vàng ít thau nhiều

Hai tuần nay, ngày nào vợ chồng chị Phương cũng chạy đôn chạy đáo khắp nơi theo dõi quảng cáo trên báo, nhờ người nghe ngóng tin tức về các buổi hội thảo, triển lãm du học để lựa chọn. Chị Phương thở dài: “Mới có 2 tuần tiếp cận với thông tin du học mà vợ chồng tôi như lạc vào mê hồn trận. Chỗ nào cũng thấy quảng cáo không cần chứng chỉ tiếng Anh IELTS, TOEFL, TOEIC, miễn phí visa, học bổng tới 70%,... khiến tôi không biết những thông tin mà mình nhận được từ các trung tâm tư vấn du học có thể tin cậy không...”. 

Mặc dù, thị trường du học không còn quá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng do hạn chế về thông tin và thời gian tìm hiểu nên nhiều bậc phụ huynh thường phó thác cho các trung tâm tư vấn du học, để các trung tâm này tha hồ “thiên biến vạn hóa”. Chị Hoàng Thu Thủy, ở Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân kể lại: “Thấy trung tâm du học K quảng cáo du học Nhật Bản, miễn phí visa, sinh viên có cơ hội được nhận học bổng 50%,… nên tôi đã đóng 10.000 USD để lo cho con đi du học. Mặc dù, trong hợp đồng có ghi sau 2 tuần trung tâm sẽ hoàn tất thủ tục giấy tờ, nhưng quá thời hạn 1 tháng, họ không những không lấy được visa cho con tôi như đã cam kết, thậm chí còn liên tục thay đổi hợp đồng, rời ngày nhập học, cũng như đổi trường đại học mà không được sự đồng ý của gia đình tôi. Khi hợp đồng không thực hiện được, họ còn chây ỳ tới 3 tháng sau mới chịu trả lại số tiền mà gia đình tôi đã nộp”. 

Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Hải, ở phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ ấm ức: “Cách đây 6 tháng, tôi đã tìm đến một trung tâm tư vấn du học ở quận Hai Bà Trưng để làm thủ tục cho con trai đi du học Singapore. Được nhân viên trung tâm này tư vấn tôi sẽ được miễn phí dịch vụ và nếu có nguyện vọng cho cháu đi sẽ chỉ phải lo khoản học phí 10.000 USD. Tuy nhiên, khi con tôi sang Singapore học được một tháng, cháu gọi điện về cho biết thực ra mức học phí chỉ có 5.000 USD cho 6 tháng đầu tiên. Vậy là trung tâm này đã tự ý nâng giá lên gấp đôi để bù vào phí dịch vụ”.

Hiện nay, giá dịch vụ tư vấn của phần lớn các trung tâm du học thường từ 150 - 500 USD. Cụ thể, Singapore, phí dịch vụ từ 150 - 300 USD, Pháp 200 USD, Australia và Anh 400 USD,  Mỹ  500 USD... Như vậy, với trường hợp của anh Hải phí dịch vụ đã được trung tâm môi giới âm thầm tăng lên gấp 10 lần. Thậm chí, hiện nay còn xuất hiện “cò” chuyên đi “săn” những gia đình có nhu cầu cho con đi du học để “tư vấn”. Hoàng Anh - du học sinh Australia vừa về Việt Nam nghỉ hè cho biết: “Em cũng là người đi du học qua trung tâm, nên em hiểu một phần những gì trung tâm nói và làm. Có nhiều trung tâm thông tin không chính xác hoặc quảng cáo quá đà về những trường mà họ muốn tuyển sinh viên”.

Thận trọng trước quảng cáo

Bên cạnh những trung tâm du học có uy tín, quảng cáo trung thực thì có không ít trung tâm ra sức quảng cáo về học bổng của các trường. Do muốn đưa ra những lời mời chào hấp dẫn đối với các phụ huynh có nguyện vọng cho con em đi du học nên các trung tâm đã không tiếc lời nói về những suất học bổng mà “lờ đi” những điều kiện, yêu cầu để có được những suất học bổng ấy. “Trình độ tiếng Anh của em khá ổn, song trung tâm tư vấn du học vẫn gợi ý cho em học một khoá học tiếng Anh tại nước đó. Và chỉ đến khi sang đến nơi, em mới biết với điểm tiếng Anh của mình ở Việt Nam, em có thể vào thẳng bất cứ trường đại học nào mình muốn”, bạn Phương Thúy, du học sinh tại Anh cho biết.

Thậm chí, nhiều người tưởng rằng mình có kinh nghiệm, nhưng khi gặp phải những trung tâm tư vấn chuyên “đánh bóng”, họ vẫn bị mắc bẫy như thường. Chị Kiều Anh, ở Láng Hạ, quận Đống Đa than phiền: “Mặc dù đã yêu cầu trung tâm du học cung cấp đầy đủ thông tin về trường đại học bên Australia với trang web đầy đủ thông tin đào tạo, chi phí, lịch sử,... nhưng qua rồi mới biết, trường chỉ là mấy phòng nhỏ trong cả tòa nhà hoành tráng. Ở Việt Nam thì họ quảng cáo là trường đại học, nhưng sang đến nơi chỉ là bậc Cao đẳng, quảng cáo là có ký túc xá cho sinh viên, đến nơi, sinh viên không tự đi thuê thì chỉ có nước ngủ đường...”. 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện có khoảng 40.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang du học ở nước ngoài. Trong đó, khoảng 5.000 du học sinh đi bằng học bổng hiệp định hoặc ngân sách Nhà nước, còn khoảng 35.000 người còn lại là đi tự túc. Hầu hết các đối tượng này phải thông qua những trung tâm tư vấn, môi giới du học để tìm kiếm một chuyến xuất ngoại. Nhu cầu du học ngày càng tăng, kéo theo các trung tâm môi giới, tư vấn du học mọc lên như nấm. Không chỉ đặt trụ sở ở những thành phố lớn, một số trung tâm còn đặt văn phòng đại diện ở nhiều tỉnh thành. Trung tâm nào cũng đưa ra những lời quảng cáo hoa mỹ, đảm bảo nghe chắc như đinh đóng cột về uy tín của trường, chất lượng đào tạo, giá cả hợp lý, học bổng hay miễn phí những dịch vụ khác... Tuy nhiên, trên thực thế, đó chỉ là những chiêu “phù phép” của các trung tâm để kiếm lời.

Để tránh sự cố với  trung tâm du học “ma”

Cô giáo Nguyễn Thu Phương, nguyên giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ cho biết: “Để tránh sự cố có thể gặp phải từ những trung tâm du học “ma” phụ huynh nên tìm hiểu thông tin rõ ràng về trường mà mình sắp đưa con qua du học thông qua các website của trường, trong đó có đầy đủ thông tin về học phí, ngành học, chi phí nhập trường, sau đó có thể gửi email, điện thoại, fax qua trường để hỏi rõ ràng về những thông tin đó. Khi phải nhờ đến các trung tâm môi giới, phụ huynh nên đến các cơ sở uy tín lâu năm, các văn phòng du học của các lãnh sự quán. Thực tế, không phải các trung tâm du học nào cũng làm ăn chộp giật, quan trọng là phải tìm được những trung tâm có uy tín”.