Trung tâm thể dục bất ngờ nộp đơn xin phá sản, khách hàng biết đòi tiền ai?

ANTD.VN -Do khó khăn về tài chính, cuối tháng 4 vừa qua, Công ty CP Công nghệ Onaclover - chủ sở hữu WeFit, WeJoy ra thông báo đã nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Đây chỉ là một trong khá nhiều doanh nghiệp bất ngờ thông báo phá sản trong thời gian gần đây khiến khách hàng lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”…

Bỗng dưng...phá sản?!

WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập với khách hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng. Thời gian qua, WeFit đã kết nối với hơn 600 phòng tập, cung cấp trên 5.000 lịch tập luyện mỗi ngày.

Khi mua các gói tập này, khách hàng có thể đi tập tại bất cứ phòng tập nào trong hệ thống WeFit với hơn 20 bộ môn như gym, yoga, boxing, zumba...

WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập với khách hàng

So với các trung tâm khác, giá các gói tập WeFit khá mềm (khoảng 3 triệu đồng/năm) lại không giới hạn số lần tập. Các gói tập này được rao bán khá nhiều trên mạng, các sàn thương mại điện tử nên thu hút được đông đảo khách hàng tham gia.

Sau khi công ty này gửi thông báo tới khách hàng về việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nhiều người bày tỏ sự lo lắng và đặt câu hỏi, quyền lợi khách hàng sẽ giải quyết như thế nào? Khách hàng có được chuyển sang các phòng tập khác hay nhận lại được số tiền còn lại?

Nguy cơ mất trắng?

Về quyền lợi của khách hàng khi doanh nghiệp phá sản, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Điều 4 Luật phá sản, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản. Một doanh nghiệp được xác định là mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Phá sản là một thủ tục phức tạp và tốn nhiều thời gian (thường kéo dài từ 1 - 2 năm). Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản kèm theo hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ thông báo cho người nộp đơn về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản. Tiếp theo, Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Trong thời gian chưa có thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm với các khoản nợ của mình. Chỉ sau khi tòa án thụ lý yêu cầu mở thủ tục phá sản thì các khách hàng đã giao kết hợp đồng với doanh nghiệp sẽ có quyền như một chủ nợ đối với khoản thiệt hại do hợp đồng dịch vụ của họ đã bị đình chỉ.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán được phân công giải quyết phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

Sau khi Tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản, mọi vấn đề liên quan đến thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp sẽ do Tòa án thực hiện.

"Vì vậy, trong giai đoạn chưa có thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, các chủ nợ, đối tác cần khẩn trương liên hệ với doanh nghiệp để được hỗ trợ, giải quyết" - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự sau: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động…; Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; Khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; Khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Như vậy, khoản nợ của khách hàng trả trước để đăng ký gói tập xếp ở thứ tự  gần như cuối cùng được thanh toán khi công ty phá sản. Chỉ khi giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi đã thanh toán đủ các khoản nghĩa vụ tài chính trên thì phần còn lại mới được trả cho khách hàng. Do công ty đã thông báo nguồn vốn cạn kiệt nên khả năng khách hàng của WeFit lấy lại được tiền khá thấp - Luật sư Hồng Vân nhận định.