Trung tâm mua sắm sẽ hết cảnh "chợ chiều"

ANTĐ - Với quy mô nhỏ, vắng khách, kinh doanh ảm đạm, trung tâm mua sắm ở Việt Nam hoạt động chưa hiệu quả. Thậm chí, nhiều trung tâm còn phải đóng cửa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, loại hình bán lẻ này sẽ không “chết”.

Trung tâm mua sắm sẽ hết cảnh "chợ chiều" ảnh 1Một góc trung tâm mua sắm chợ Hàng Da, chỉ thấy người bán, vắng người mua

Kinh doanh èo uột

Điển  hình cho hoạt động thiếu hiệu quả này là: Trung tâm mua sắm Hàng Da, Galleria, Grand Plaza, Tràng Tiền Plaza… “Các trung tâm này đều có vốn đầu tư lớn, chiếm vị trí đắc địa, nhưng đã phải ngừng hoạt động, thậm chí là đóng cửa” - bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) nói. Tuy nhiên, không chỉ các trung tâm kể trên mà bà Đinh Thị Mỹ Loan còn cho rằng, trên thực tế, hoạt động của trung tâm mua sắm ở Việt Nam hầu hết không hiệu quả, phần lớn phải chịu cảnh thua lỗ, gian hàng ảm đảm, khách đến xem hàng là chủ yếu chứ không có nhu cầu mua sắm. “Nhiều ý kiến e ngại trung tâm mua sắm ở Việt Nam đang ở cảnh “chợ chiều”,  không mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư” - Chủ tịch AVR nhận xét.

Hình thức bán lẻ hiện đại bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam từ khi nước ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với một số trung tâm mua sắm đầu tiên như: Diamond Plaza,       Parkson, The Garden. Những năm gần đây, trung tâm mua sắm tại Việt Nam mọc lên ngày càng nhiều, tăng cả về quy mô và số lượng. Có thể kể đến: Aeon, Lotte… Tuy nhiên, nếu so với chuẩn quốc tế, diện tích là 200.000m2 thì trung tâm mua sắm ở Việt Nam còn quá nhỏ, mới chỉ dừng ở mức 20.000-60.000m2.

Vì sao phát triển theo xu hướng tất yếu của thế giới mà trung tâm mua sắm tại Việt Nam lại chưa thành công? Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, người Việt có tâm lý thích loại hình bán lẻ theo kiểu truyền thống hơn là bán lẻ hiện đại. Bên cạnh đó, suy thoái toàn cầu làm sức mua giảm sút và người tiêu dùng thắt chặt hầu bao khiến trung tâm mua sắm bị ảnh hưởng; nguồn cung bán lẻ rất phong phú nhưng giá cả khá cao khiến doanh nghiệp bán lẻ không thể tiếp cận. Ngoài ra, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, cạnh tranh trực tiếp với các loại hình bán lẻ khác trong đó có trung tâm mua sắm, dẫn đến tất yếu là loại hình mua sắm này phải chia sẻ khách hàng. Trong khi đó, các trung tâm này lại chưa có chiến lược marketing, quảng bá hình ảnh tốt để thu hút khách hàng Việt Nam. 

Sẽ có thời hoàng kim?

Mặc dù  tình hình kinh doanh hiện tại của nhiều trung tâm mua sắm không tốt, song bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, các trung tâm này vẫn chưa hết thời. Nguyên nhân là vì Việt Nam đang phát triển mạnh tầng lớp trung lưu, gia tăng dân số vẫn lớn nên trung tâm mua sắm vẫn có thể phát triển. Kèm theo đó, tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu không gian bán lẻ chất lượng cao sẽ tăng lên. Tuy nhiên, Chủ tịch AVR nhấn mạnh: “Các trung tâm mua sắm phải chuyển mình để đáp ứng nhu cầu của thời đại”. Điều này đồng nghĩa với việc cần có sự thay đổi cách thức quản lý, kinh doanh cho phù hợp hơn. 

Theo đại diện của hãng nghiên cứu Nielsen, người Việt Nam vẫn thích những trung tâm mua sắm bình dân, nhưng các nhà đầu tư không thể đứng yên, mà vừa tồn tại, vừa phải đi theo những yêu cầu mới của người tiêu dùng trong tương lai. 

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, với việc hội nhập sâu rộng của Việt Nam, đầu tư nước ngoài sẽ tăng lên nhanh chóng. Kéo theo đó, việc làm mới, phúc lợi xã hội, đô thị hóa và tiêu dùng đều tăng. Ông Trương Đình Tuyển cho hay: “Những phương thức kinh doanh hiện đại càng ngày càng tăng lên. Tầng lớp trung lưu hình thành và 15 năm nữa, Việt Nam vẫn trong thời kỳ dân số vàng - độ tuổi thích mua sắm, nên trung tâm mua sắm hiện đại phát triển rất cao”. Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, trung tâm mua sắm không chỉ là nơi để mua bán mà còn là nơi để vui chơi, thư giãn sau thời gian làm việc căng thẳng. Đây sẽ là xu hướng mới.