"Trung tâm một cửa" hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực tình dục ở Rwanda

ANTD.VN - Mặc chiếc váy màu đỏ và xanh lá cây, Elise (không phải tên thật của nhân vật), 18 tuổi ngồi nắm chặt hai tay khi kể lại câu chuyện của mình với một nhân viên xã hội tại Isange One-Stop Center. Gạt nước mắt và cố gắng hít thở sâu, Elise kể lại rằng, cô bị một người bạn nhốt trong phòng ngủ và cưỡng hiếp khiến cô có thai.

"Trung tâm một cửa" hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực tình dục ở Rwanda ảnh 1Các chuyên gia y tế đang tư vấn cho các nạn nhân bị bạo lực giới tại Trung tâm Isange One-Stop

Hỗ trợ toàn diện và miễn phí cho nạn nhân bị bạo lực tình dục

Elise đã bị cưỡng hiếp và đã quá muộn để cô sử dụng thuốc chống phơi nhiễm HIV. Cô gái trẻ sẽ được Isange One-Stop Center - thường được gọi là “Trung tâm một cửa” Isange tiến hành một số xét nghiệm để kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Elise có thể phá thai nếu cô muốn. Gần đây, Rwanda đã thay đổi Luật Phá thai, trong đó cho phép phụ nữ bỏ đứa con trong trường hợp bị cưỡng hiếp, cưỡng hôn hoặc cuộc sống của bà mẹ và em bé gặp nguy hiểm.

Trung tâm Isange One-Stop nằm trên một con phố nhộn nhịp ở quận Kacyiru, không xa trung tâm thành phố Kigali. Elise đến trung tâm để tư vấn, chăm sóc y tế và trợ giúp pháp lý cần thiết. Từ “Isange” có nghĩa là “bạn là một trong số những người bạn”. Isange One-Stop được biết đến là một trung tâm giúp đỡ toàn diện những người sống sót sau bạo lực tình dục. Tất cả các dịch vụ đều được cung cấp tại đây hoàn toàn miễn phí.

Isange One-Stop được điều hành bởi nhiều cơ quan quản lý Nhà nước Rwanda, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và Cảnh sát quốc gia. Nhiều nhân viên xã hội, nhà tâm lý học, bác sĩ và điều tra viên của Cảnh sát quốc gia được cử đến hỗ trợ hoạt động của trung tâm. Nếu những nạn nhân của bạo lực tình dục không có nơi trú ẩn an toàn, họ có thể ở lại trung tâm. 

Trung tâm Isange One-Stop lần đầu được thí điểm vào năm 2009 và hiện đã được triển khai rộng rãi với 44 trung tâm trên cả nước. Trung tâm ở Kigali tiếp nhận từ 10 đến 12 nạn nhân của bạo lực mỗi ngày. Trong số đó, 28% là những người sống sót sau khi bị bạn tình bạo lực tình dục và số còn lại là bị tấn công tình dục. Với sự trợ giúp pháp lý của trung tâm, 47% thủ phạm đã bị bắt và 31% trong số đó đã bị truy tố vì hành vi bạo lực tình dục với phụ nữ. 

41% phụ nữ Rwanda phải trải qua bạo lực thể xác 

Bạo lực giới vẫn là vấn đề tồn tại dai dẳng ở Rwanda. Theo UN Women, khoảng 1/3 phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi từ 15 đến 49 ở Rwanda bị bạo lực tình dục hoặc thể xác. Ít nhất 41% phụ nữ Rwanda phải trải qua bạo lực thể xác ở tuổi 15.

Rwanda đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Năm 2008, Quốc hội Rwanda đã thông qua một đạo luật xác định rõ hành vi bạo lực hoặc ý định thực hiện hành vi bạo lực cũng như mọi công dân có nghĩa vụ báo cáo tình trạng bạo lực với cơ quan chức năng. Sau đó, Ủy ban Chống bạo lực giới đã được thành lập ở các địa phương trên cả nước. Mục đích của Ủy ban là nâng cao nhận thức về bạo lực, báo cáo thủ phạm có hành vi bạo lực với chính quyền và giới thiệu những người sống sót sau bạo lực tình dục đến các Trung tâm Isange One-Stop.

Daphrose Nyirasafari - chuyên gia về sức khỏe sinh sản tại Quỹ dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết, Rwanda đã đi được chặng đường dài trong cuộc chiến chống bạo lực giới. Tiến sĩ Daniel Nyamwasa - chuyên gia chống bạo lực giới ở Kacyiru nói rằng, rượu và khả năng kiểm soát kém là một trong những nguyên nhân thúc đẩy bạo lực. Tuy nhiên, Tiến sĩ Jenevieve Mannell, giảng viên trường Đại học College    London, chuyên gia nghiên cứu về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Rwanda nói rằng, nguyên nhân sâu xa là vấn đề bất bình đẳng giới. “Rượu là nguyên nhân trực tiếp nhưng nhiều người đàn ông luôn đổ lỗi cho phụ nữ. Họ biện minh rằng, bạo lực xuất hiện khi phụ nữ ngày càng được trao quyền nhiều hơn”, Tiến sĩ Jenevieve Mannell nói.