Trung tâm gia sư... lừa

(ANTĐ) -Chỉ cần một địa điểm không rộng, vài cái bàn và một chiếc điện thoại, một cái biển đề tên một giáo viên có uy tín... thế là một trung tâm gia sư (TTGS) được “khai trương” và đi vào hoạt động. Đã có không ít sinh viên, các gia đình bị lừa bởi TTGS “rởm” nhưng không biết kêu ai...

Trung tâm gia sư... lừa

(ANTĐ) -Chỉ cần một địa điểm không rộng, vài cái bàn và một chiếc điện thoại, một cái biển đề tên một giáo viên có uy tín... thế là một trung tâm gia sư (TTGS) được “khai trương” và đi vào hoạt động. Đã có không ít sinh viên, các gia đình bị lừa bởi TTGS “rởm” nhưng không biết kêu ai...

Phỏng vấn tại sàn giao dịch việc làm là cách tìm việc làm sáng suốt (ảnh minh họa)
Phỏng vấn tại sàn giao dịch việc làm là cách tìm việc làm sáng suốt (ảnh minh họa)

Làm gia sư dưới cái tên của... người khác!

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, chị Trần Thị Thu ở Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Tôi là sinh viên trường Đại học Hà Nội. Vì muốn có thêm thu nhập nên tôi đã đến một TTGS tại đường Cầu Giấy xin đi dạy.

Sau khi nộp 400.000đ, tôi được người chủ trung tâm - 1 phụ nữ tên Hoàn cho địa chỉ dạy ở phố Hàng Thùng và dặn đi dặn lại “Khi đến không được nói tên thật mà phải xưng tên là Nguyễn Thị Hiền, đã tốt nghiệp ĐHSP Khoa Tiểu học và đang dạy ở 1 trường tiểu học tại Hà Nội”.

Khi tôi thắc mắc thì chị ta giải thích: “Muốn được đi dạy thì phải nói dối. Nếu không sẽ chẳng có ai thuê”. Tôi không đồng ý và xin lại tiền bị chị ta kiên quyết từ chối và lăng mạ rất thậm tệ”.

Tìm hiểu tại một số TTGS khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi được biết để được nhận lớp, ngoài phí đăng ký, gia sư phải nộp 50% tháng lương. Khoản phí nhận lớp sẽ lấy từ việc trừ 10% lương hàng tháng. Điều bất hợp lý là gia sư lại phải đóng thêm một khoản gọi là tiền trách nhiệm khoảng 100-150.000đ.

Các trung tâm còn đề ra nhiều quy định phức tạp để bắt chẹt tiền gia sư, thường lấy ở khoản tiền trách nhiệm. Ngoài ra, một số trung tâm còn yêu cầu gia sư về trung tâm lĩnh lương, và tìm đủ mọi cách tìm ra các lý do để phạt trừ vào lương.

Theo chủ một TTGS tại phố Cầu Giấy, việc thành lập một TTGS khá đơn giản, đầu tiên là chọn thuê địa chỉ với diện tích chỉ cần 10-15m2, vài bộ bàn ghế, sau đó là tìm một thầy giáo có tên tuổi đứng tên, rồi phát tờ rơi.

Mỗi lần có điện thoại gọi đến thì giở bài quảng cáo đã thuộc lòng: “Đây là trung tâm gia sư do giáo sư, tiến sỹ N.V.X đứng đầu, đội ngũ gia sư đã qua “thẩm định nghiêm ngặt”, là các thầy giáo, cô giáo đang giảng dạy tại trường sư phạm, một số là sinh viên giỏi đang theo học năm cuối”...

Điều đáng nói là số sinh viên có nhu cầu làm gia sư khá đông nhưng phần lớn học tại trường ít tên tuổi. Thậm chí có người nói ngọng mà vẫn đăng ký được làm gia sư dạy tiếng Anh, tiếng Việt. Để được đi dạy thêm, kèm thêm, mỗi sinh viên được chọn phải nộp một khoản nhỏ gọi là “phí đăng ký”.

Sau một thời gian dạy, người bị gia đình sa thải giữa chừng sẽ bị mất 20% trong số tiền nửa tháng lương đặt cọc do “làm tổn hại thương hiệu của trung tâm”. Trường hợp gia đình cho gia sư nghỉ ngay sau 2 - 3 buổi dạy thì gia sư sẽ mất hết tiền đặt trước. Các thỏa thuận giữa trung tâm và gia sư được ghi khá mập mờ trong hợp đồng...

Có chế tài  nhưng xử lý ít...

Mặc dù từ năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2005/NĐ-CP quy định việc xử lý các trung tâm GTVL, TTGS không đủ giấy phép. Nhưng hiện nay, nhiều trung tâm GTVL, TTGS không giấy phép vẫn ngang nhiên tồn tại, hiện tượng lừa đảo người lao động vẫn diễn ra thường xuyên.

Để siết chặt dịch vụ GTVL, nhằm bảo vệ quyền lợi lao động, tránh tình trạng lừa đảo, ngày 5-6-2008 Chính phủ ban hành Nghị định 71 quy định chặt chẽ hơn nữa các điều kiện thành lập, hoạt động của trung tâm, doanh nghiệp có chức năng GTVL: Trung tâm có nghĩa vụ theo dõi tình trạng việc làm của lao động trong thời gian 12-36 tháng.

Khi bị mất việc, lao động phải thông báo cho trung tâm để được tạo điều kiện sử dụng dịch vụ tìm việc làm mới. Các doanh nghiệp nếu vi phạm ngành nghề kinh doanh, gian lận đối với lao động, không thực hiện nghĩa vụ... sẽ bị tước giấy phép 3 tháng. Doanh nghiệp bị tước giấy phép có thời hạn lần thứ hai thì bị tước phép vô thời hạn.

Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, việc kiểm tra, quản lý các trung tâm GTVL, TTGS hầu như phó mặc cho lực lượng Công an cơ sở. Theo 1 CSKV phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, để chấn chỉnh tình trạng các TTGTVL có hành vi lừa đảo, ngoài việc kiểm tra, xử lý thì việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực này cần phải được chấn chỉnh.

Bên cạnh đó, những trường hợp vi phạm từ 500 nghìn đồng trở lên có đầy đủ các yếu tố lừa đảo thì cần phải đem ra xử lý trước pháp luật để nâng cao tính răn đe. Tránh tình trạng xử phạt hành chính sau đó lại tái diễn như hiện tại.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm các trung tâm GTVL, TTGS có hành vi lừa đảo, ngoài sự nỗ lực hơn nữa của lực lượng công an, ngành LĐ-TB&XH cần phải thông báo rộng rãi đến các địa bàn, trường học danh sách những trung tâm đã được cấp phép.

Nhà trường, chính quyền địa phương cần phải thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo sinh viên, người lao động về các thủ đoạn lừa đảo của các trung tâm GTVL,TTGS và nên tìm đến các trung tâm GTVL có uy tín...

Huệ Linh