Trung Quốc xây dựng luật chống gián điệp

ANTĐ -Ngày 27-10, tại kỳ họp thứ 11, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 12 đã thẩm định “dự thảo chống gián điệp của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa” (gọi tắt là dự thảo). Căn cứ theo dự thảo, việc chiêu mộ nhân sự cho các tổ chức gián điệp được xác định cho 6 loại hoạt động gián điệp cụ thể. 

Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc quy định bằng văn bản pháp luật đối với 6 hoạt động gián điệp cụ thể. Một là, tổ chức gián điệp và người đại diện thực hiện những hoạt động gây nguy hại đến an ninh quốc gia nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa; hai là, tham gia vào các tổ chức gián điệp hoặc công nhận các tổ chức gián điệp và thực hiện nhiệm vụ của nó; ba là, hoạt động chiêu mộ nhân viên của tổ chức gián điệp; bốn là, cung cấp bí mật nhà nước và hoạt động tình báo trái phép như đánh cắp, dò hỏi, mua bán thông tin; năm là, chỉ điểm mục tiêu tấn công cho đối phương; sáu là tiến hành các hoạt động gián điệp khác.

Trung Quốc xây dựng luật chống gián điệp ảnh 1

Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc báo cáo trong một phiên họp quốc hội Trung Quốc

Về trách nhiệm, dự thảo quy định: cơ quan, tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện hoặc sai khiến, trợ giúp người khác thực hiện; hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước câu kết với cơ quan, tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoạt động gián điệp thì cấu thành tội phạm, chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật. Thực hiện các hoạt động gián điệp, nếu tự thú hay lập công chuộc tội có thể giảm nhẹ, hoặc miễn tội; nếu lập công lớn sẽ được nhận thưởng.

Về chức trách thực thi theo pháp luật của cơ quan an ninh quốc gia, dự thảo yêu cầu, cơ quan an ninh quốc gia và nhân viên của cơ quan này phải nghiêm túc thực hiện theo pháp luật, không được vượt quá quyền hạn, chức trách, lạm dụng chức quyền, không được xâm phạm quyền lợi hợp pháp của tổ chức và cá nhân trong thực thi nhiệm vụ.

Cơ quan an ninh quốc gia và nhân viên chỉ có thể sử dụng công tác chống phản gián để thu hồi thông tin, tài liệu của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện chức trách chống phản gián theo pháp luật. Đối với những thông tin thuộc bí mật quốc gia, bí mật doanh nghiệp và đời tư cá nhân phải được giữ kín.

Về xử lý tài sản liên quan đến vụ án, dự thảo nhấn mạnh, do yêu cầu của công tác chống gián điệp, cơ quan an ninh quốc gia phải kiểm tra, niêm phong, tịch biên các thiết bị, phương tiện liên quan, sau khi loại bỏ mối nguy hại đến an ninh quốc gia, cơ quan này nên hủy niêm phong và tịch biên tài sản.

Ngoài ra, các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh cũng có thể sử dụng để nghe trộm hoặc chụp trộm các bí mật, dự thảo cũng phân định “dụng cụ gián điệp chuyên dụng” để ngăn chặn các phát sinh khi thực thi pháp luật.

Trong điều khoản này, dự thảo đặc biệt quy định, bất kỳ cá nhân hay tổ chức đều không được phép giữ hay sử dụng phi pháp các dụng cụ gián điệp chuyên dụng. Các thiết bị chuyên dụng này do các cơ quan chủ quản an ninh quốc gia xác nhận theo quy định liên quan của nhà nước.