Trung Quốc xây dựng "cứ điểm đầu cầu" trên biển Nhật Bản

ANTĐ - Gần đây, hợp tác mậu dịch Trung – Triều luôn là một trọng điểm chú ý của Hàn Quốc. Ngày 21/07 vừa qua, các phương tiện truyền thông Hàn Quốc thông báo một thông tin gây chấn động là Trung Quốc đã khởi công xây dựng 3 cầu tàu mới, mà họ giành được quyền sử dụng thuộc cảng Rajin của Triều Tiên.

Đài truyền hình YTN của Hàn Quốc ngày 21/07 cho biết, qua phân tích một số bức ảnh của giới doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy, công tác xây dựng các cầu tàu mới của cảng Rajin thuộc đặc khu kinh tế Rason, do Trung Quốc và Triều Tiên hợp tác khai phá đã bắt đầu triển khai. Điều đáng chú ý là Trung Quốc đã giành được quyền sở hữu 3 trong số các cầu tàu đó, chứng tỏ chiến lược “chủ nghĩa thực dụng” của Trung Quốc vẫn tiếp tục được triển khai.

Các bức ảnh mà Đài truyền hình YTN của Hàn Quốc phân tích được chụp vào tháng 6 cho thấy, các cầu tàu mới đang được xây dựng bên cạnh cầu tàu số 3. Hiện ngoài các cầu tàu số 1, 2, 3 thì 3 cầu tàu mới số 4, 5, 6 đang được gấp rút thi công. Năm 2011, Triều Tiên đã chính thức nhượng quyền sở hữu 3 cầu tàu đang thi công này cho phía Trung Quốc trong thời hạn 50 năm.

Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho biết, căn cứ vào quan hệ Trung – Triều trong thời gian qua, thì việc xây dựng các cầu tàu mới này có chút bất ngờ. Từ sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 3, rất nhiều kế hoạch hợp tác kinh tế giữa 2 nước đã bị đóng băng và dĩ nhiên là tiến độ của dự án nằm trong bên bờ Hoàng Hải này cũng có sự điều chỉnh.

Cảng Rajin thuộc đặc khu kinh tế Rason của Triều Tiên

Tuy nhiên, một số kế hoạch vẫn tiến hành bình thường hoặc nhịp độ có chậm lại chứ không dừng hẳn. Việc Trung Quốc và Triều Tiên triển khai thi công 3 cầu tàu mới này cho thấy tính 2 mặt của Trung Quốc, 1 mặt họ tham gia ngăn chặn Triều Tiên, mặt khác họ lại tích cực mở rộng hợp tác kinh tế Trung – Triều.

Các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu kinh tế ngân hàng doanh nghiệp Hàn Quốc nhận xét, Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh chấn hưng kinh tế vùng đông bắc nên rất muốn tìm kiếm một chỗ đứng chân trên biển Nhật Bản. Vì thế, Trung Quốc rất có hứng thú với cụm cảng ven Hoàng Hải này.

Ngoài ra, đặc khu kinh tế Rason (bao hàm cả cảng Rajin) được Triều Tiên phát triển đầu thập niên 90 của thế kỷ trước là địa điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Trước đây, cầu tàu số 1 của cảng Rajin thuộc quyền sử dụng của Trung Quốc, còn cầu tàu số 3 thuộc quyền quản lý của Nga.

Được biết, ngoài 3 cầu tàu nước sâu khoảng 9m, cảng Rajin còn được xây dựng hệ thống cầu tàu chính có độ sâu tới 30m. Ngoài ra, cảng này còn được xây dựng hệ thống kho bãi, khu chế xuất, khu gia công, khu bảo lưu thuế nhập khẩu…, để trở thành một cảng quốc tế lớn.