Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản 2020:

‘Trung Quốc tiếp tục tìm cách thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 14-7, Nhật Bản đã công bố Sách trắng quốc phòng 2020, trong đó cảnh báo Trung Quốc đang tiếp tục tìm cách thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Sách trắng cũng cáo buộc Bắc Kinh đã và đang lợi dụng sự hỗ trợ liên quan tới Covid-19 đối với các nước khác nhằm tăng cường những lợi ích chính trị và kinh tế của mình.

‘Trung Quốc tiếp tục tìm cách thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông’ ảnh 1Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách lãnh thổ trong bối cảnh đại dịch

Ý đồ của Bắc Kinh trong đại dịch

Nhật Bản cho biết đang theo dõi chặt chẽ các nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh toàn cầu, đồng thời khẳng định rằng Bắc Kinh đã cử các chuyên gia y tế và cung cấp các thiết bị y tế như khẩu trang hỗ trợ cho các quốc gia khác ngăn ngừa đại dịch Covid-19 là để  nhằm thúc đẩy lợi ích của chính Trung Quốc.

Trong Sách trắng, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ trích Bắc Kinh về âm mưu không ngừng làm suy yếu quyền kiểm soát của Tokyo đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông, ngay cả vào thời điểm rất cần sự hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.

Sách Trắng thẳng thừng lên án Trung Quốc về những nỗ lực dai dẳng trong việc đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở các vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp này trên Biển Hoa Đông. “Bất chấp sự phản đối của chúng ta, các tàu của Trung Quốc liên  tục xâm nhập vào vùng lãnh hải của chúng ta quanh Quần đảo Senkaku” - trích Sách trắng.

Sách trắng cho rằng, Trung Quốc đang tăng cường năng lực tiến hành các hoạt động ở các khu vực xa hơn như Ấn Độ Dương. “Với việc cộng đồng quốc tế đang phải vật lộn để chống đại dịch, một loại virus khác đã lây lan và “có thể làm bộc lộ và tăng cường sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước đang có ý đồ tạo ra những trật tự khu vực và thế giới có lợi hơn với các nước này và mở rộng tầm ảnh hưởng của họ” - Sách trắng viết.

Báo cáo quốc phòng thường niên của Nhật Bản cũng chỉ rõ, Bắc Kinh đã và đang lợi dụng sự hỗ trợ liên quan tới Covid-19 đối với các nước khác nhằm tăng cường những lợi ích chính trị và kinh tế của mình, đồng thời can dự vào một chiến dịch tuyên truyền như lan truyền thông tin sai lệch trong bối cảnh bất ổn xã hội và hỗn loạn xuất phát từ đại địch. Do đó, những động thái này phải được theo dõi chặt chẽ như những vấn đề an ninh.

Trung Quốc tiếp tục tìm cách thay đổi hiện trạng ở Biển Đông

Về vấn đề Biển Đông, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản nói rằng, Bắc Kinh đang củng cố yêu sách lãnh thổ bằng cách thiết lập các khu quản lý hành chính ở các khu vực tranh chấp. Trung Quốc đã ngang ngược lập cái gọi là quận Tây Sa và quận Nam Sa đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Cùng với việc quân sự hóa các tiền đồn ở các khu vực tranh chấp của tuyến hàng hải chiến lược, Trung Quốc sử dụng các biện pháp phi quân sự như vậy nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực để đưa ra các yêu sách khác, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang tập trung vào việc ứng phó với đại dịch Covid-19.

Trong Sách trắng 2020, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đưa ra nhận định các cường quốc quân sự đang tập trung ở các khu vực xung quanh nước này, với các xu hướng rõ ràng như tăng cường sức mạnh quân sự và gia tăng các hoạt động quân sự. 

Sách trắng nhận định việc Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân và được cho là đã thu nhỏ vũ khí hạt nhân để lắp trên các tên lửa đạn đạo, cũng như các vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng trong những năm gần đây, là những xu hướng quân sự gây quan ngại nghiêm trọng đối với an ninh của Nhật Bản. 

Về chính sách quốc phòng của Mỹ, Sách trắng cho rằng, Washington đã thừa nhận cạnh tranh chiến lược với các cường quốc như Trung Quốc và Nga là một thách thức chủ yếu đối với an ninh của Mỹ. Đặc biệt, Mỹ xếp Trung Quốc đứng đầu danh sách các ưu tiên và các khu vực cần tập trung nhiều nhất về mặt an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ ưu tiên bố trí các lực lượng quân sự tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu, giảm sự hiện diện quân sự ở Trung Đông và châu Phi.