Trung Quốc tiếp tục khẳng định "Một quốc gia, hai chế độ"

ANTD.VN -  Hôm nay (1-7), Hồng Kông kỷ niệm 20 năm ngày được trao trả cho Trung Quốc. Đây là dấu mốc để Hồng Kông nhìn lại những thay đổi của vùng đất này cũng như đặt ra mục tiêu hướng tới tương lai. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Hồng Kông dự lễ kỷ niệm 20 năm vùng đất này trở về với Trung Quốc

Chương trình biểu diễn hoành tráng cùng màn diễu binh dự kiến sẽ là hai trong số các sự kiện lớn được tổ chức nhân dịp kỷ niệm này. Lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Hồng Kông dự lễ kỷ niệm và chứng kiến lễ nhậm chức của tân lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Sau 156 năm nằm dưới quyền kiểm soát của Anh, ngày 1-7-1997, theo Tuyên bố chung Anh - Trung được ký vào cuối năm 1984, Hồng Kông chính thức được trao trả lại cho Trung Quốc trong một buổi lễ có sự hiện diện của Thủ tướng Anh T. Blair, Thái tử Charles, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Ngoại trưởng Mỹ M. Albright. Kể từ khi được trao trả về Trung Quốc năm 1997, Hồng Kông được quản lý theo quy chế “một quốc gia, hai chế độ” với những đặc quyền chỉ có ở đặc khu này, trong đó có bộ máy tư pháp độc lập. 

Từ cuối thế kỷ 19, Hồng Kông đã vươn lên trở thành một trung tâm tài chính của châu Á, trung tâm thương mại toàn cầu, là nơi hàng loạt công ty, ngân hàng lớn trên thế giới đặt trụ sở, đóng vai trò như cửa ngõ vào Trung Quốc. Vào thời điểm được trao trả, Hồng Kông chỉ với dân số 6,5 triệu người nhưng có nền kinh tế lớn bằng 1/5 kinh tế Trung Quốc.

20 năm qua, dù vẫn là một đặc khu hành chính của Trung Quốc và quy chế này sẽ còn được giữ nguyên trong 30 năm tới, nhưng vị trí của Hồng Kông trong nền kinh tế Trung Quốc đã không còn đặc biệt như trước. Hồng Kông giờ đây chỉ đóng góp chưa đầy 3% vào tổng GDP của Trung Quốc.

Các cảng tại thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc hiện sầm uất hơn cả hệ thống cảng ở Hồng Kông. Trong những năm 1990, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc huy động vốn từ Hồng Kông để phát triển nền kinh tế đại lục. Nhưng nay các doanh nghiệp giàu tiền mặt của đại lục đang ngày càng tăng cường tầm ảnh hưởng đến Hồng Kông.

Vai trò trung tâm tài chính của Hồng Kông cũng không còn quá quan trọng đối với Trung Quốc. Những sàn giao dịch ở Thượng Hải hay Thâm Quyến đã trực tiếp liên kết Trung Quốc với thị trường toàn cầu. Năm 1997, Morgan Stanley, HSBC và Merrill Lynch là những nhà bảo lãnh hàng đầu cho các vụ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) ở Hồng Kông.

Trong top 10 cũng chỉ toàn các ngân hàng và công ty nước ngoài hoặc bản địa. Còn nay, 9 trong số 10 cái tên đứng đầu đến từ đại lục, trong đó top 3 gồm Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Công ty Chứng khoán Haitong và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. 

Sự phân cực về mặt chính trị ngày càng sâu hơn, giữa một bên là những người ủng hộ Bắc Kinh và một bên là phe ủng hộ một Hồng Kông có nhiều quyền tự chủ hơn. Tuy nhiên, phát biểu khi đến sân bay quốc tế Hồng Kông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Chúng ta sẽ cùng nhau nhìn lại chặng đường phát triển của Hồng Kông trong vòng 20 năm để rút kinh nghiệm và lên kế hoạch cho tương lai, nhằm đảm bảo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông được duy trì ổn định và lâu dài”.