Trung Quốc tiếp tục điều thêm 2 tàu ngư chính lớn xuống biển Đông

ANTĐ - Để tiếp tục duy trì gây hấn trên biển Đông, Trung Quốc không ngừng hạ thủy và biên chế các tàu công vụ hạng nặng cho khu vực biển Đông, nhằm tạo lợi thế trong tranh chấp trên biển.

Nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông, mới đây Trung Quốc lại tiếp tục hạ thủy 2 tàu ngư chính lớp 1000 tấn, chuyên thực hiện nhiệm vụ tuần tra chấp pháp tại khu vực biển Vịnh Bắc Bộ và hai quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa, tức 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Hai tàu ngư chính này mang số hiệu 45005 và 45013, được Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghiệp tàu thuyền Hạ Môn đóng mới và hạ thủy tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc.

Được biết, sau lễ hạ thủy, tàu ngư chính 45005 được biên chế cho Chi đội Ngư chính tỉnh Quảng Tây, còn tàu ngư chính 45013 được điểu về nhận nhiệm vụ tại Chi đội Ngư chính thành phố Bắc Hải.

Theo thiết kế, hai tàu này có cùng kiểu dáng, trọng tải và kích thước, với tổng chiều dài 83,36m, chiều rộng 11,6m; mớn nước thiết kế 4,06m, mớn nước tối đa 4,28m; lượng giãn nước (đầy tải) 1764 tấn; tốc độ tối đa 20 hải lý/h, khả năng hành trình liên tục 7000 hải lý, hoạt động độc lập liên tục 45 ngày đêm.

Trung Quốc tiếp tục điều thêm 2 tàu ngư chính lớn xuống biển Đông ảnh 1

Tàu ngư chính 45013 được biên chế về Chi đội Ngư chính thành phố Bắc Hải

Việc thời gian gần đây Trung Quốc ồ ạt đóng mới, hạ thủy các tàu chấp pháp cỡ lớn hoạt động tại khu vực biển Đông, cho thấy nước này đang âm mưu xây dựng 1 lượng tàu chấp pháp khổng lồ, có khả năng đè bẹp lực lượng tàu công vụ của tất cả các nước trong khu vực, nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông.

Đặc biệt trong những ngày qua, khi Bắc Kinh liên tiếp điều các loại tàu, bao gồm cả tàu quân sự, tàu chấp pháp và tàu cá vỏ thép đến thực hiện nhiệm vụ bảo vệ giàn khoan HD 981, hạ đặt và hoạt động khai thác dầu khí trái phép tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Các loại tàu này của Trung Quốc không ngần ngại liên tục đâm húc vào các tàu công vụ của Việt Nam khi đang thực hiện nhiệm vụ chấp pháp bảo vệ chủ quyền trên vùng biển, khiến cho nhiều kiểm ngư viên của Việt Nam bị thương, tàu bị hỏng, tàu cá bị chìm, gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân Việt Nam.

Hành động ngang ngược, chà đạp lên luật pháp quốc tế, xâm phạm trắng trợn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước và sự chỉ trích kịch liệt của cộng đồng quốc tế.