Trung Quốc thực thi tham vọng xây dựng hạ tầng cho "dự án thế kỷ"

ANTD.VN - Trung Quốc một lần nữa lại khiến giới đầu tư bất ngờ khi bỏ ra hàng tỷ đôla mua lại một “cảng khô” Khorgos nằm sâu trong đất liền ở Kazakhstan và 1 tỷ USD để xây dựng Khu liên hiệp đô thị tài chính tại một dự án gần cảng container chiến lược của Sri Lanka. 

“Cảng khô” Khorgos, nơi Trung Quốc đầu tư xây dựng hệ thống vận tải đường sắt và một thị trấn nhỏ Nurkent với dịch vụ khép kín để phục vụ các công nhân đường sắt

Hai thương vụ mới nhất này cùng với việc thâu tóm một loạt cảng biển quan trọng như Piraeus (Hy Lạp), Darwin (Úc) và Djibouti (châu Phi) đã góp phần định hình tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu cho dự án “Con đường tơ lụa” hiện đại.

Trước hết là dự án ở Kazakhstan. Hãng vận tải biển nhà nước khổng lồ của Trung Quốc COSCO đã mua lại 49% cổ phần của một khu vực băng giá rộng lớn với các đường ray xe lửa và nhà kho nằm rất sâu trong đất liền của Kazakhstan. Vùng đất hoang vu này nằm gần biên giới Trung Quốc, cách xa biển tới 2.500km nhưng giao thoa giữa khu vực đại lục Á- Âu. Mang tiếng là mua “cảng” nhưng tại đây, các công ty Trung Quốc sẽ bốc xếp container hàng hóa lên những chuyến xe lửa thay vì tàu biển.  

Phải mất 45-50 ngày để gửi hàng hóa từ các nhà máy của Trung Quốc sang châu Âu bằng đường biển, nhưng nếu dùng tàu lửa qua Trung Á thì chỉ mất một nửa thời gian đó. Vận chuyển một container trên biển có chi phí cao gấp 10 lần bằng đường bộ, điều đó làm cho vận tải đường bộ trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các nhà sản xuất hàng hóa có giá trị cao của Trung Quốc. 

Bất kể vị trí không thuận lợi, cảng khô Khorgos đang là trung tâm kết nối của thứ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “dự án thế kỷ”, tức chương trình phát triển hạ tầng “Vành đai, Con đường” trị giá một nghìn tỷ USD. Trung Quốc từng bắt tay vào việc xây dựng đường cao tốc dài 213km lên tới 630 triệu USD, nối liền thành phố Kashgar (Tân Cương) với Erkeshtam của Kyrgyzstan. Con đường cao tốc này sau đó sẽ mở rộng ra tiếp sang Uzbekistan, Tadjikistan, Turkmenistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ.

Song song với dự án đường cao tốc đó, Trung Quốc còn phát triển hai đề án khác, cũng để mở cửa cho Trung Quốc đến gần với châu Âu. Dự án thứ nhất xuyên ngang Kazakhstan và Nga, trong khi lộ trình thứ hai dự kiến hướng tới Kazakhstan nhưng xuyên qua lòng biển Caspi. Trung Quốc lẫn Kazakhstan đều tỏ ra phấn khích trước tham vọng biến “cảng khô” này thành mặt trận mới của hoạt động thương mại toàn cầu.

Trong thương vụ thứ hai, chính quyền Sri Lanka vừa thông báo Công ty China Harbor của Trung Quốc sẽ đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một đô thị tài chính gồm ba tòa tháp cao 60 tầng tại một dự án gần cảng container chiến lược của nước này.

Bộ trưởng Phát triển Đô thị Sri Lanka, Champika Ranawaka nhấn mạnh “Ba tòa nhà này sẽ có thể thu hút nhiều công ty nước ngoài hơn vào Sri Lanka”. Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC), công ty mẹ của Công ty Cảng Trung Quốc (CHEC) cho biết dự kiến dự án sẽ tạo ra 83.000 việc làm mới và giúp Sri Lanka thu hút thêm 13 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng. 

Dự án gây tranh cãi trên là kế hoạch tiếp theo của Trung Quốc nhằm tăng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương. Trước đó, Trung Quốc đã đầu tư 1,4 tỷ USD để cải tạo và mở rộng thành phố tài chính quốc tế Colombo vốn có vị trí chiến lược vì nằm cạnh cảng container nước sâu duy nhất trong khu vực của Sri Lanka. Hồi tháng 12-2017, do không có khả năng chi trả các khoản nợ tích tụ đã vay của Trung Quốc, Sri Lanka buộc phải chính thức bàn giao cảng Hambantota chiến lược cho Bắc Kinh tiếp quản.

Cảng Hambantota nằm giữa các tuyến thương mại liên kết Ấn Độ Dương với châu Âu, châu Phi và kết nối Trung Đông đến châu Á. Từ trước đến nay, Bắc Kinh mới chỉ dừng lại ở việc nói về “Hành lang kinh tế” nối liền Trung Quốc với các nước Trung Á và châu Âu nói chung, tuy nhiên, lúc này đã có những con số cụ thể. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc vừa công bố dự án thế kỷ “Vành đai, Con đường” với khoảng 900 dự án ở 60 quốc gia trên toàn cầu.