Trung Quốc thừa hiểu họ sai phạm, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982

ANTĐ - Đối với vi phạm đang diễn ra của giàn khoan Hải Dương - 981 là vi phạm nghiêm trọng đối với luật pháp Việt Nam và quy định của luật pháp quốc tế. Vi phạm của Trung Quốc là cố tình. 
Trung Quốc thừa hiểu họ sai phạm, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ảnh 1
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam


- Tàu Cảnh sát biển và Kiểm Ngư của ta có vẻ quá nhỏ so với tàu Trung Quốc, chúng ta không có tàu lớn hay chưa đến lúc đem tàu lớn ra đối trọng với tàu Trung Quốc?

- Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm: Đấu tranh là cả vấn đề về lý luận - thực tiễn và có tính nghệ thuật cao. Việc sử dụng lực lượng, phương tiện cũng là vấn đề có tính nghệ thuật. Người dân hãy tin tưởng vào những biện pháp mà chúng ta đã và đang làm, bình tĩnh và linh hoạt. Nhân dân đồng hành cùng chính phủ thì sức mạnh của dân tộc được nhân lên rất nhiều. Thái độ của chúng ta quyết liệt, thì biện pháp bảo vệ của chúng ta cũng có tính tổng hợp cao. Hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam là kiên quyết giữ trận địa trên biển. Chúng ta không chủ động va chạm, nhưng họ đã chủ động va chạm với tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư rất nhiều. Hiện nay Cảnh sát biển vẫn cố gắng tránh va chạm, kiên trì bằng biện pháp pháp luật, chuẩn bị tinh thần và tư tưởng, công tác bảo đảm hậu cần và kỹ thuật để tác nghiệp dài ngày trên biển nhằm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền vùng biển của chúng ta.

- Có thông tin phía Trung Quốc đã đưa tàu chiến và máy bay tiêm kích ra để bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981, trong khi đó chúng ta chưa có tàu quân sự tại đây, lỡ xảy ra nguy hiểm cho tàu Cảnh sát biển và Kiểm Ngư thì sao? 

- Không phải là có thông tin nữa, đúng là Trung Quốc đã đưa tàu chiến và máy bay vào để bảo vệ sự vi phạm của họ, đây là điều thông lệ và tập quán quốc tế không thể chấp nhận. Với hoạt động của Trung Quốc rất quyết liệt như vậy thì những khó khăn, nguy hiểm đối với lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư đang tác nghiệp ở đây là hoàn toàn có thể xảy ra. Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng ta không thể cũng vi phạm luật pháp quốc tế như họ là đưa tàu quân sự ra để giải quyết những vụ việc như thế này. Trước nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền vùng biển, các lực lượng, trong đó có lực lượng Cảnh sát biển đang hoạt động với quyết tâm và nỗ lực rất cao. Đây là trách nhiệm của chúng tôi trước Đảng, trước Dân tộc. 

- Theo qui định của pháp luật thì khi phát hiện xâm phạm chủ quyền lãnh hải, Cảnh sát biển Việt Nam có quyền thực hiện những gì để ngăn chặn, chấm dứt việc vi phạm đó? 

- Vi phạm pháp luật trên biển có nhiều loại hình, hành vi vi phạm ở nhiều lĩnh vực: chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, an toàn... Theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bằng thẩm quyền của mình, Lực lượng Cảnh sát biển có quyền xử phạt hành chính, khởi tố hoặc tiến hành một số biện pháp cưỡng chế, khắc phục hậu quả để ngăn chặn và chấm dứt vi phạm đó. Đối với vi phạm đang diễn ra của giàn khoan Hải Dương - 981 là vi phạm nghiêm trọng đối với luật pháp Việt Nam và quy định của luật pháp quốc tế. Vi phạm của Trung Quốc là cố tình. Lực lượng Cảnh sát biển vẫn đang thực hiện thẩm quyền của mình. Biện pháp thực thi của Cảnh sát biển cũng quyết liệt và phù hợp. Chắc chắn, là một quốc gia lớn, là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc thừa hiểu những việc làm của họ là sai phạm, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Nhưng họ đang phớt lờ. Hiện nay Trung Quốc sử dụng tàu chiến, máy bay quân sự. Ở khu vực này, chúng tôi đang yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng trước hết yêu cầu Trung Quốc rút các tàu chiến, máy bay ra khỏi khu vực, không tham gia vào các hoạt động vi phạm dân sự đang diễn ra ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

- Đại diện Cảnh sát biển đã từng trả lời trên báo rằng nếu Trung Quốc tiếp tục khiêu khích thì mình sẽ không khoan nhượng, Thiếu tướng có thể nói cho người dân yên tâm về việc “không khoan nhượng” trên như thế nào? 

- Chúng ta đang đấu tranh pháp lý và đấu tranh trên thực địa. Thái độ của chúng ta là chủ động và tích cực, kiên quyết. Dân tộc ta có truyền thống tạo sức mạnh tổng hợp kể cả lúc khó khăn nhất. Lực lượng Cảnh sát biển sẽ chuẩn bị tinh thần và ý chí để đấu tranh dài ngày với tư tưởng tiến công và biện pháp linh hoạt đó chính là thái độ “không khoan nhượng” của chúng ta.

(Trích trả lời của Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ngày 14-5 trên Trang tin điện tử Cảnh sát biển Việt Nam)