Trung Quốc thắt chặt an ninh tại Bắc Kinh

ANTĐ - Trung Quốc đã triển khai các xe cảnh sát vũ trang tuần tra ở Bắc Kinh sau khi ba vụ tấn công xảy ra tại các nút giao thông trọng điểm trên khắp thành phố.

150 xe cảnh sát được giao nhiệm vụ chống lại chủ nghĩa khủng bố và chiến đấu với các cuộc bạo lực nghiêm trọng trên đường phố. Trong khi cảnh sát vũ trang tuần tra thì các các nút giao thông quan trọng sẽ được giám sát bởi ít nhất 9 sĩ quan cảnh sát và các trợ lý, hãng tin Tân Hoa Xã của nhà nước cho biết.

Theo đó, việc mua bán xăng dầu cũng được thắt chặt, những người mua phải đăng ký trước với cảnh sát đồng thời phải giải thích ý định của họ, việc làm này nhằm ngăn chặn việc sử dụng xăng để gây rối loạn công cộng, báo cáo cho biết.

Trung Quốc thắt chặt an ninh tại Bắc Kinh ảnh 1
Cảnh sát kiểm soát tại các nút giao thông quan trọng của thủ đô Bắc Kinh


Động thái này của Trung Quốc được thực hiện sau hàng loạt các vụ tấn công nghiêm trọng xảy ra tại nhà ga Tân Cương, Côn Minh, Quảng Châu... đồng thời cũng nhằm đảm bảo an ninh trước ngày tưởng nhớ những nạn nhân trong vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Sự thắt chặt an ninh được đưa ra giữa lúc dư luận dành mối quan tâm cao về đảm bảo an toàn sau các cuộc tấn công tại ba nhà ga xảy ra. Một nhóm tấn công bằng dao tại Côn Minh đã khiến 29 người chết và hơn 100 người bị thương. Một cuộc tấn công tương tự tại Urumqi vào tháng Tư khiến 3 người chết và gần 80 người bị thương.

Chính quyền Trung Quốc đã đổ lỗi cho cả hai cuộc tấn công vào nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang sống ở Tân Cương. Hai vụ tấn công này chưa được điều tra rõ ràng thì tuần trước một vụ bạo lực lại xảy ra ở nhà ga Quảng Châu làm 6 người bị thương.

Trước đó, vào tháng 10 năm 2013, năm người thiệt mạng và hàng chục người bị thương sau khi một chiếc xe đâm vào một đám đông gần Quảng trường Thiên An Môn và bốc cháy. Các quan chức cho biết ba trong số những người đã chết điều khiển xe đến từ các nhóm dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Người Duy Ngô Nhĩ - những người dân tộc Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng một số lượng dân Hán nhập cư lớn vào Tân Cương đã khiến văn hóa của họ bị xói mòn và yêu cầu Bắc Kinh phải kiểm soát tình trạng này.

Trong khi đó chính quyền Trung Quốc nói rằng họ đã đầu tư rất nhiều để cải thiện cuộc sống của người dân trong khu vực này.