Trung Quốc "tháo ngòi nổ" xã hội

ANTĐ - Chính sách về cư trú tại Trung Quốc sẽ có sự thay đổi quan trọng từ đầu năm 2016 khi nước này “cởi trói” cho lao động nông thôn để họ lần đầu tiên trong lịch sử được cấp phép cư trú tại thành phố.
Trung Quốc  "tháo ngòi nổ" xã hội ảnh 1

Thay đổi chính sách cư trú sẽ giúp lao động nhập cư ở các thành phố lớn của Trung Quốc 
giải tỏa được nhiều khó khăn

Theo chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 tới, Trung Quốc sẽ cấp phép cư trú cho những người lao động di cư từ nông thôn ra thành thị làm việc. Chính sách này sẽ tạo điều kiện cho hàng triệu người nông dân nhập cư tại thành phố và gia đình của họ được hưởng các phúc lợi xã hội cơ bản nhất như y tế, giáo dục ở ngay nơi họ đang sinh sống và làm việc chứ không phải ở quê nhà.

Cụ thể, những người lao động là nông dân nhập cư có thể nộp hồ sơ xin cấp phép cư trú tại thành thị nếu họ có đầy đủ các giấy tờ chứng minh đã học tập, làm việc hoặc sinh sống ở thành phố trong 6 tháng. Mỗi thành phố của Trung Quốc có thể tự đưa ra những quy định riêng về cấp phép cư trú và các điều kiện sẽ ngặt nghèo hơn đối với những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… do lượng lao động nhập cư đổ về đây rất lớn.

Chính sách mới về cư trú tại Trung Quốc là một sự thay đổi mang tính lịch sử tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Bởi kể từ khi thành lập nước CHND Trung Hoa từ năm 1989 tới nay, Trung Quốc đã  thực hiện chính sách hộ khẩu để quản lý người dân, đi kèm với đó là những chế độ phúc lợi xã hội gắn liền với hộ khẩu.

Việc chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường đã dẫn tới sự thay đổi, biến động sâu sắc trong thị trường lao động Trung Quốc mà theo đó là một lực lượng lao động khổng lồ di cư từ nông thôn ra thành phố để mưu sinh. Tuy nhiên, hàng chục triệu rồi hàng trăm triệu nông dân Trung Quốc đó phải chịu nhiều thiệt thòi vì chính sách cư trú do các dịch vụ công như y tế và giáo dục chỉ dành cho những người dân có hộ khẩu thường trú. 

Chính vì không thể đăng ký hộ khẩu thành thị nên hàng trăm triệu người lao động vốn là nông dân nhập cư vào các thành phố không được hưởng những dịch vụ cơ bản ở nơi họ sống và làm việc. Và điều này đã phát sinh rất nhiều hệ lụy với người lao động nhập cư ở các thành phố của Trung Quốc.

Một trong những trường hợp đau lòng về hậu quả tiêu cực từ chính sách cư trú hiện nay là một thảm kịch chấn động dư luận Trung Quốc xảy ra vào tháng 6 năm nay tại vùng nông thôn ở Tất Tiết thuộc tỉnh Quý Châu, khi 4 anh em từ 5 đến 13 tuổi đã cùng uống thuốc trừ sâu tự tử. Nguyên nhân là do người mẹ đã bỏ đi, người cha lên thành phố mưu sinh nhưng không thể mang các con lên vì không được hưởng các chế độ phúc lợi như học hành, chăm sóc y tế…

Theo thống kê, hiện ở Trung Quốc có khoảng 61 triệu trẻ em bị bỏ lại ở nông thôn do cha mẹ các em là lao động nhập cư, không thể đăng ký cho các em học ở thành thị. Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (WB) ước tính đến năm 2030, khoảng 70% dân số Trung Quốc sẽ sống ở thành thị, một phần rất lớn trong số này là người lao động nhập cư.

Bởi vậy, việc Trung Quốc thay đổi chính sách nhập cư không chỉ “cởi trói” cho người lao động ở nông thôn mà còn “tháo ngòi nổ” xã hội của nước này trong tương lai.