Trung Quốc tham vọng gì với hạm đội tàu sân bay?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc gấp rút hoàn thành để đưa vào trực chiến tàu sân bay thứ hai mang tên Sơn Đông đã cho thấy tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trên biển, trước hết là Biển Đông - vùng biển chiến lược trọng yếu mà Trung Quốc đã ráo riết quân sự hóa thời gian qua.
Phi công máy bay tiêm kích J-15 của Trung Quốc luyện tập trên tàu sân bay

Phi công máy bay tiêm kích J-15 của Trung Quốc luyện tập trên tàu sân bay

Không tiếc tiền của phát triển hạm đội tàu sân bay

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 27-10 cho biết, tàu sân bay Sơn Đông do nước này tự chế tạo đã hoàn tất thử nghiệm và huấn luyện thủy thủ đoàn sau 10 tháng được biên chế. Như vậy, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc đã hoàn thành việc thử nghiệm cũng như huấn luyện trên biển để chính thức bắt đầu hoạt động trực chiến.

Đoạn video của CCTV cho thấy, phi công Trung Quốc tập cất hạ cánh tiêm kích hạm J-15 và trực thăng tấn công Z-9 trên tàu Sơn Đông. Cùng với đó, lực lượng trên tàu đã vận hành hoạt động thử nghiệm tổ hợp tên lửa phòng không và hệ thống phòng thủ tầm cực gần, trong khi các đội hỗ trợ trên tàu sân bay sử dụng máy hút bụi đeo sau lưng dọn dẹp sàn tàu…

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân Trung Quốc cho biết do mới phục vụ chưa đầy một năm, tàu sân bay Sơn Đông vẫn trong quá trình huấn luyện cơ bản để kiểm tra tính năng của thiết bị, đồng thời củng cố khả năng vận hành và đào tạo trên tàu. Trong tương lai, tàu sân bay Sơn Đông sẽ tham gia nhiều cuộc diễn tập hiệp đồng với máy bay, tàu chiến hoặc nhóm tác chiến tàu sân bay khác.

Với việc đưa tàu sân bay Sơn Đông vào trực chiến, hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc hiện có hai tàu là Sơn Đông (Type 002) cùng tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh (Type 001). Điều đáng nói là cả hai tàu sân bay này đều có căn cứ chính là Tam Á nằm trên đảo Hải Nam giáp Biển Đông, cho thấy địa bàn tác chiến chính của chúng là vùng biển đang nóng bởi hoạt động quân sự hóa ngày một leo thang của Trung Quốc.

Trước đó, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh, được nâng cấp và hiện đại hóa từ tàu Varyag trong biên chế của Hải quân Liên Xô trước đây, đã được đưa vào trực chiến từ tháng 11-2016. Tàu sân bay Liêu Ninh tương đương như tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, tàu sân bay duy nhất hiện nay của hải quân Nga, với chiều dài hơn 304 m, rộng 73 m, được trang bị 24 chiếc máy bay chiến đấu J-15 thuộc thế hệ máy bay chiến đấu 4,5 mà Trung Quốc phát triển dựa trên nguyên mẫu Su-33 của Nga.

Tàu sân bay Sơn Đông hoàn toàn do Trung Quốc phát triển trên mẫu tàu sân bay Liêu Ninh, song lớn hơn với lượng giãn nước lên tới 65.000 tấn, dài 315,5m, rộng 75m. Tàu sân bay Sơn Đông có thể mang tới 36 máy bay chiến đấu J-15, nhiều gấp rưỡi so với 24 chiếc của tàu Liêu Ninh, cùng nhiều trang thiết bị vũ khí hiện đại hơn.

Trong khi đó, ảnh vệ tinh độ phân giải cao được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở tại Washington, Mỹ) công bố cho thấy, các phần thân tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc (Type 003) đang được lắp ráp tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải. Con tàu này có thể được hạ thủy trong vài tháng tới để tiến hành các hoạt động thử nghiệm và dự kiến sẽ được triển khai tới căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam.

“Át chủ bài” hiện thực hóa tham vọng chủ quyền trên biển

Việc không tiếc tiền của để phát triển hạm đội tàu sân bay có sức mạnh hiện chỉ thua Mỹ cho thấy tham vọng lớn thế nào của Trung Quốc trên biển, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang đòi chủ quyền phi lý đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ Sa”. Tất cả những yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đều đã bị bác bỏ theo phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PAC) đưa ra ngày 12-7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Đuối lý và phi pháp trong việc đòi chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc đã dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền trên vùng biển này. Điều này thấy rất rõ qua việc Trung Quốc ráo riết tiến hành quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông thời gian qua, từ việc bồi đắp trái phép các đảo nổi nhân tạo để thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo, thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cho tới đổ tiền đổ của để phát triển lực lượng hải quân có sức mạnh vượt trội với những bên mà Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Trong toan tính dùng sức mạnh để ngang ngược áp đặt chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc rõ ràng muốn dùng hạm đội tàu sân bay như là “con át chủ bài”. Hơn thế, từ “bàn đạp” Biển Đông và sức mạnh ngày càng trỗi dậy, hải quân Trung Quốc dựa trên lực lượng nòng cốt là hạm đội tàu sân bay sẽ còn vươn tới những đại dương khác trên toàn cầu.

Tham vọng và toan tính của Trung Quốc khi phát triển hạm đội tàu sân bay đã rõ, song liệu họ có thiện thực hóa được điều này? Sức mạnh đội tàu sân bay của Trung Quốc hiện có thể sánh được cường quốc hải quân đi trước nước này như Nga, Anh và Pháp, nhưng rõ ràng còn kém xa so với cường quốc hải quân số một là Mỹ. Chưa nói tới Mỹ hiện có tới 10 biên đội tác chiến tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz, mà sức mạnh mỗi siêu tàu sân bay tải trọng lên tới 100.000 tấn, chở được gần 100 máy bay chiến đấu này đều vượt xa các tàu sân bay hiện nay của Trung Quốc.

Ngay cả các chuyên gia quân sự của Trung Quốc hiện cũng cho rằng tàu sân bay Sơn Đông vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu lớn về thiết kế và đặc tính kỹ chiến thuật, khiến nó khó có thể hoạt động dài ngày trên biển. Hải quân Trung Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng một biên đội tàu tác chiến tàu sân bay đúng nghĩa với các tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa, tàu ngầm hạt nhân, tàu ngầm tấn công cùng đội tàu tàu hậu cần hộ tống để có thể phát huy được sức mạnh trên các đại dương xa.

Thế nhưng, cũng cần thấy rằng Trung Quốc mới dồn lực để phát triển hạm đội tàu sân bay hơn chục năm nay, trong khi các cường quốc hải quân khác có nhiều thập kỷ để làm việc này. Với việc không tiếc tiền của hiện nay, Trung Quốc rất có thể bám đuổi Mỹ trong tương lai không xa. Vì thế, không thể không phòng ngừa trước việc Trung Quốc dùng sức mạnh để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền trên biển, trước hết là ở Biển Đông.