Trung Quốc: Thảm họa cuồng thần tượng

ANTĐ - Hâm mộ là một nét văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa. Thảm họa đó không chỉ khiến người hâm mộ trả giá bằng thời gian, tiền bạc, sức lực mà còn ảnh hưởng đến chính gia đình, thậm chí cả tương lai hay  tính mạng của bản thân.  

Nhóm nhạc EXO của Hàn Quốc khiến nhiều bạn trẻ “mê muội”

“Tốt hơn bố mẹ”

Chính câu nói thiếu suy nghĩ này của Tiểu Nam với người bố Châu Khải ở huyện Dung, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã khiến cuộc đời cô bé kết thúc khi mới 13 tuổi. 7h30 sáng 8-11-2013, Tiểu Nam gọi điện cho bà ngoại Triệu Thúy Nga khóc lóc kể bị bố đánh. Bà Nga gọi điện cho con rể nhắc nhở cần nhẹ nhàng với cháu gái, nhưng không ngờ chỉ hơn 1 tiếng sau, bi kịch đã xảy ra. 8h25, Châu Khải gọi điện lại cho mẹ vợ và nói rằng hai bố con họ không thể sống nổi nữa, cứu cũng không kịp. Khi xe cảnh sát và cứu thương tới hiện trường, Tiểu Nam đã tử vong vì vết thương do bố dùng dao đâm, còn Châu Khải cắt cổ tay để tự sát nhưng không chết do cấp cứu kịp thời. 

Bi kịch đó bắt nguồn từ chính sự si mê thần tượng mù quáng của cô bé. Tiểu Nam hâm mộ ban nhạc Hàn Quốc EXO và thành viên Tao trong nhóm nhạc này nên đã thường xuyên tự nhốt mình trong phòng, không ăn uống cho đến tận khuya chỉ để lên mạng xem clip của thần tượng. Cô bé sưu tầm đủ mọi vật phẩm liên quan đến thần tượng trang trí phòng. Tháng 10-2013, nhóm nhạc EXO đến Bắc Kinh biểu diễn với giá vé 1.200 NDT, nhiều hơn cả 2 tháng thu nhập của ông Châu Khải. Khi người bố khuyên con gái rằng nhà không đủ tiền để cô bé đi xem biểu diễn, Tiểu Nam còn hỏi vặn lại: “Nhà không có tiền, sao bố không đi kiếm?”. Cô bé thậm chí còn hứa giúp đỡ một người bạn mua vé và sốt sắng mua vật phẩm để ủng hộ chương trình biểu diễn của thần tượng.

Tại phiên tòa ngày 11-3 vừa qua, Châu Khải đau buồn cho biết: “Con bé nói tôi bất tài, phải kiếm thêm tiền để nó mua quà ủng hộ thần tượng”. Sáng hôm vụ việc đau lòng xảy ra, ông gọi Tiểu Nam dậy đi học. Do không tìm được chiếc gọt bút chì, Tiểu Nam tức giận và nói rằng không muốn đến lớp. Trong lúc tranh cãi, Tiểu Nam vứt sách vở và điện thoại xuống đất. Đây không phải là lần đầu Tiểu Nam “phát điên” vô cớ và đập điện thoại. Trước tính khí ương bướng của Tiểu Nam, Châu Khải đã tát và mắng con gái không dậy sớm chuẩn bị đồ dùng học tập, chỉ biết tiêu tiền của bố mẹ. Nhưng Tiểu Nam lại hỗn hào đáp trả: “Chỉ là tiền thôi à, con sẽ trả lại hết”. Xung đột giữa Châu Khải và con gái lên đến đỉnh điểm khi ông “động chạm” đến thần tượng của cô bé. “Con chỉ biết hâm mộ thần tượng, thần tượng không thể tốt như bố mẹ”, Châu Khải nói với con gái nhưng Tiểu Nam lập tức “trả miếng”: “Thần tượng tốt hơn các người”. Trước câu nói xúc phạm và bất hiếu của con gái, Châu Khải tức giận lấy con dao trong phòng khách, ban đầu chỉ định dọa con. Cuối cùng, bi kịch đã xảy ra. 

Tiểu Thanh từng muốn phẫu thuật giống Jessica Alba

Đẩy cả người thân vào bi kịch

Đến giờ dư luận Trung Quốc vẫn còn nhắc đến câu chuyện đau lòng quanh  “fan cuồng” Dương Lệ Quyên. Dương Lệ Quyên là người tỉnh Cam Túc, từ khi 16 tuổi, cô này đã say mê diễn viên Lưu Đức Hoa, bỏ học để theo đuổi thần tượng. Khuyên giải con gái không được, bố của Lệ Quyên đành phải bán thận, bán nhà cửa, vay tiền đưa cô đến tận Hồng Kông gặp Lưu Đức Hoa trong một bữa tiệc sinh nhật của anh này vào ngày 25-3-2007. Lệ Quyên đã được tận mắt ngắm nhìn thần tượng và chụp ảnh lưu niệm. Sáng hôm sau, mọi người phát hiện bố của Lệ Quyên đã nhảy sông tự tử, để lại một bức thư tuyệt mệnh nhắn gửi Lưu Đức Hoa: “Anh nên gặp Lệ Quyên, ký tặng nó, cứu lấy nó. Ngoài anh, nó từ chối cả thế giới, chỉ có anh mới khiến nó yêu cuộc sống”. Sau khi bố qua đời, Dương Lệ Quyên và mẹ lang thang ăn xin ở Hồng Kông và chịu vô số lời chỉ trích từ dư luận. 

Năm 2012, dư luận Trung Quốc tiếp tục xôn xao khi Ngạo Diễm Hồng, một cô gái ở tỉnh Hồ Bắc, tuyên bố muốn được sinh con trai cho Lưu Đức Hoa. Diễm Hồng từng nhiều lần viết thư cho Lưu Đức Hoa nhưng không được hồi âm. Theo người thân Ngạo Diễm Hồng kể lại, vì thần tượng mà cô luôn sống trong khổ sở, thậm chí từng tự sát 4 lần. Diễm Hồng cho biết sẽ giữ gìn sự trong trắng để gặp được thần tượng và khẳng định “dù anh ấy không yêu tôi, tôi vẫn mãi mãi chờ đợi”.

Một trường hợp khác cũng suýt trở thành nạn nhân của thói “cuồng” thần tượng, nhưng may mắn hơn là cô gái có biệt danh Tiểu Thanh, người Thượng Hải. Để cứu vãn tình yêu, Tiểu Thanh đã lên mạng xin tư vấn phẫu thuật thẩm mỹ để có được khuôn mặt giống như nữ diễn viên Jessica Alba vì bạn trai của cô là một “fan” hâm mộ nữ diễn viên này cuồng nhiệt. Tiểu Thanh cho biết bạn trai cô chỉ muốn hẹn hò sau khi cô đã trang điểm gần giống Jessica. Trước thông tin này, nữ diễn viên Jesscia Alba đã bày tỏ thái độ không tán thành. “Tôi cho rằng cô ấy không bao giờ nên thử cách này, khi một người yêu cô ấy, thì nên yêu tất cả những gì thuộc về cô ấy”- nữ diễn viên xinh đẹp nói. Nhờ lời khuyên của Jesscia Alba, Tiểu Thanh đã bỏ kế hoạch thẩm mỹ và không bi lụy vì người bạn trai si mê khuôn mặt của thần tượng.

Fan “cuồng” Dương Lệ Quyên và mẹ già lang thang ở Hồng Kông mong gặp Lưu Đức Hoa

Nỗi lo sợ của phụ huynh

Từ một hiện tượng tâm lý bình thường của lứa tuổi, hiện nay, hâm mộ thần tượng đã trở thành vấn đề đau đầu của nhiều phụ huynh ở Trung Quốc, khi con em lao theo thần tượng mà bỏ bê học hành, thay đổi lối sống lành mạnh của mình. Không chỉ các học sinh trung học, nhiều sinh viên đại học cũng ôm ấp hình ảnh thần tượng một cách điên rồ không kém. “Tiền kiếm được nhờ làm thêm và tiêu vặt bố mẹ cho, tôi dồn vào để mua vé VIP hơn 2.000 NDT đến Thượng Hải xem ca sĩ Junsu Hàn Quốc biểu diễn”, Lưu Ninh, một sinh viên đại học ở tỉnh Hồ Nam cho biết. So với lứa tuổi 8X và 7X, thời gian và tiền bạc những fan 9X đổ vào “công cuộc” theo đuổi ngôi sao nhiều hơn, có rất nhiều fan 9X từng đi khắp thế giới chỉ để theo chân thần tượng. Cao Tịnh, một sinh viên Đại học Sư phạm Hằng Dương ngụy biện: “Cuộc sống gấp gáp, áp lực học tập cao, không ít học sinh sinh viên thất vọng khi thực tế và lý tưởng khác xa nhau, nên sau khi phát hiện ngôi sao nào đó có phẩm chất phù hợp với mong đợi của bản thân, thần tượng cũng là lẽ bình thường”.

Ông Mai Văn Huệ - Phó viện trưởng Viện Nghệ thuật phát thanh truyền hình và báo chí truyền thông thuộc Đại học Hồ Nam nêu quan điểm, việc thanh thiếu niên muốn thể hiện cá tính, cũng như chia sẻ niềm vui và học tập những phẩm chất tốt đẹp từ thần tượng, là một việc tốt. Nhưng nếu như theo đuổi ngôi sao một cách mù quáng khiến cuộc sống và học tập bị ảnh hưởng thì không thể chấp nhận. Ông Văn Huệ khuyến nghị các gia đình nên hướng dẫn con em tham gia hoạt động xã hội tích cực để tránh tình trạng quá mơ mộng viển vông về một thần tượng nào đó.