Trung Quốc tập trận trên Biển Đông gây căng thẳng trong khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trung Quốc ngày càng tăng cường các cuộc tập trận trên Biển Đông. Vùng biển vốn đã “nóng” bởi những tranh chấp chủ quyền dai dẳng lại càng thêm căng thẳng, phức tạp.
Cụm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc trong một cuộc diễn tập ở Biển Đông

Cụm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc trong một cuộc diễn tập ở Biển Đông

Gia tăng số lượng, thay đổi phương thức tiến hành tập trận

Mới nhất là cuộc tập trận trên Biển Đông ở phía Đông - Bắc của đảo Hải Nam từ ngày 12 đến 14-3. Cuộc tập trận này diễn ra giữa lúc quân đội Trung Quốc đang tiến hành một cuộc tập trận khác kéo dài trong suốt tháng 3 ở Biển Đông, ở khu vực phía tây bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Cùng với đó là cuộc diễn tập trái phép ở đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa lên tiếng phản đối.

Nếu theo dõi tình hình Biển Đông, có thể thấy số lượng các cuộc tập trận của Trung Quốc ở vùng biển này đang tăng lên. Theo thông báo được đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA), từ đầu năm đến nay, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành ít nhất 7 cuộc tập trận ở Biển Đông. Cũng theo thông tin của MSA, trong năm ngoái, PLA đã tiến hành ít nhất 20 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 5 cuộc tập trận trái phép xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Không chỉ gia tăng về số lượng, các cuộc diễn tập này còn có nhiều thay đổi trong phương thức tiến hành. Đầu tháng 12 năm ngoái, thông tin về các cuộc tập trận của Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn Cầu, một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo, mô tả các chiến hạm của Hải quân Trung Quốc mở các cuộc tập trận “như đánh nhau thật” trên Biển Đông nhằm mài dũa khả năng tác chiến. Đây là các cuộc tập trận mang tính định hướng chiến đấu thực sự, bao gồm việc hiện thực hóa chiến lược tác chiến trên biển sẽ diễn ra như thế nào, loại thách thức nào có thể xảy ra và những hành động nào mà đối phương có thể thực hiện.

Chẳng hạn như trong cuộc tập trận bắn đạn thật cuối tháng 3-2020 trên Biển Đông, các tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay chiến đấu đã thử nghiệm hơn 20 khoa mục, bao gồm phòng không, chống tàu, chống tàu ngầm, tấn công trên bộ, điều hướng hạm đội và công tác chính trị thời chiến. Chuyên gia Ngụy Đông Húc phân tích: “Cuộc tập trận đã thể hiện một đặc tính mới của Hải quân PLA ở Biển Đông: đa chiều, với các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu phối hợp”. Theo ông Ngụy Đông Húc, những chiến thuật này sẽ giúp Hải quân Trung Quốc kiểm soát và bảo vệ hiệu quả các vùng biển, đảo và rạn san hô liên quan, vì khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc để bảo vệ Biển Đông tiếp tục tăng.

Tháng 5-2020, Trung Quốc còn tiến hành cùng một lúc 5 cuộc tập trận trên biển, trong đó hai cuộc ở Biển Đông. Theo các chuyên gia quân sự, những cuộc tập trận quy mô lớn, bắn đạn thật như thế này sẽ nâng cao khả năng tác chiến xuyên khu vực của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, bởi nếu xung đột quân sự nổ ra, Trung Quốc sẽ không bị giới hạn chỉ trong một vùng biển, mà sẽ kết nối với nhau”.

Ngoài hải quân, các lực lượng khác của Quân đội Trung Quốc như lục quân, không quân, lực lượng tên lửa và lực lượng hỗ trợ chiến lược (phụ trách tác chiến không gian mạng, tác chiến điện tử, tác chiến trong vũ trụ) cũng tham gia. Tháng 12 năm ngoái, tàu sân bay thứ hai Sơn Đông của Trung Quốc lần đầu tiên đã cho máy bay tập luyện hoạt động ban đêm để có thể tác chiến bất cứ lúc nào. Trong cuộc tập trận cuối tháng 2-2021, 10 máy bay ném bom, trong đó có dòng oanh tạc cơ chiến lược H-6, cùng lúc mở cuộc tấn công tên lửa nhằm vào mục tiêu giả định là các tàu sân bay của đối phương.

“Hồi chuông báo động” cho các bên có chủ quyền ở Biển Đông

Việc gia tăng các cuộc tập trận trên Biển Đông tất nhiên sẽ giúp nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc, nhất là trong điều kiện nước này đưa vào trang bị hàng loạt các loại vũ khí mới như tàu sân bay Sơn Đông, tàu đổ bộ mang trực thăng Type 075, tuần dương hạm Type 055, tên lửa diệt hạm tầm trung DF-21D và DF-26B, máy bay ném bom chiến lược dòng H-6...

Theo các chuyên gia quân sự, các cuộc tập trận của Trung Quốc còn có thể coi là phản ứng mạnh mẽ, là biện pháp răn đe, là màn “ăn miếng trả miếng” đối với các hoạt động quân sự gần đây của Mỹ ở Biển Đông như tập trận hay tuần tra tự do hàng hải. Thông qua các cuộc tập trận này, Trung Quốc muốn chứng tỏ có khả năng đương đầu với Mỹ, thậm chí sẵn sàng đối đầu với Mỹ ở khu vực.

Tuy nhiên, động thái này của Trung Quốc còn nhằm đến mục tiêu khác, nhất là trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền phức tạp ở Biển Đông. Ông Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, đã lên tiếng cảnh báo việc Trung Quốc tiến hành tập trận tại Biển Đông có thể gây căng thẳng trong khu vực và ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng. Theo quan điểm của ông Lorenzana, Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc tập trận bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tập trận tại vùng biển tranh chấp là hành vi khiêu khích, gây quan ngại và gióng lên “một hồi chuông báo động” cho tất cả các bên có chủ quyền ở Biển Đông.

Còn theo TS James Holmes, chuyên gia chiến lược hàng hải thuộc Đại học hải chiến Mỹ, thông qua cuộc tập trận, Bắc Kinh muốn gửi thông điệp rằng các cường quốc phương Tây hay Nhật Bản có thể thỉnh thoảng hiện diện tại Biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn luôn ở vùng biển này và ngày càng có nhiều năng lực để đạt được ý muốn. Trung Quốc cho thấy sự hiện diện thường trực ở những khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền, nhằm khiến cho các bên trong khu vực e ngại.

Những cuộc tập trận này vi phạm cam kết của Trung Quốc theo Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 (DOC), trong đó có cam kết tránh các hoạt động làm phức tạp thêm hoặc leo thang tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Hành động của Trung Quốc cũng đi ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông mà nước này từng tuyên bố. Nó sẽ vô hiệu hóa các nỗ lực làm giảm căng thẳng và duy trì ổn định, hòa bình trên Biển Đông.

Liên quan đến cuộc diễn tập trái phép của Trung Quốc ở đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định rõ: “Mọi hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ, hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông”.