Trung Quốc tận dụng lợi thế của “ngoại giao vaccine”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi phương Tây không cung cấp đủ lượng vaccine Covid-19 cần thiết cho các quốc gia đang phát triển và nhà sản xuất lớn Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu do phải vật lộn với đợt dịch tàn khốc thứ hai, thì Trung Quốc đã vào cuộc. Nước này đang tìm cách tận dụng lợi thế của “ngoại giao vaccine” bằng cách quyên tặng vaccine đến các quốc gia nghèo, bao gồm cả châu Phi.
Vaccine Sinopharm của Trung Quốc được chuyển tới sân bay Harare, Zimbabwe, châu Phi

Vaccine Sinopharm của Trung Quốc được chuyển tới sân bay Harare, Zimbabwe, châu Phi

Bán vaccine kèm theo chính sách quyên tặng

Theo thống kê của Tổ chức tư vấn Bridge Consulting (có trụ sở tại Bắc Kinh), tính đến ngày 10-5, Trung Quốc đã bán được tổng cộng 651 triệu liều vaccine Covid-19, cao hơn rất nhiều so với số lượng vaccine mà họ quyên tặng là 17,4 triệu liều. Châu Mỹ Latinh và châu Á - Thái Bình Dương cho đến nay là những khách hàng mua nhiều nhất, lần lượt nhận được 309 triệu và 248,46 triệu liều vaccine, trong khi châu Âu đứng sau với 61,38 triệu liều. Châu Phi mua ít nhất, ở mức 33 triệu liều, nhưng lại được tặng số lượng vaccine cao thứ hai sau khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Được biết, Trung Quốc còn cam kết tài trợ vaccine cho 35 quốc gia châu Phi và Ủy ban Liên minh châu Phi.

Theo Bridge Consulting, cho đến nay Sinovac là nhà cung cấp vaccine Covid-19 chính của Trung Quốc ở 32 quốc gia. Sinopharm - công ty có vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận để sử dụng khẩn cấp vào tuần trước - đang cung cấp hầu hết các khoản quà tặng bằng vaccine cho 60 quốc gia. Đã có những nghi ngờ về hiệu quả của vaccine Trung Quốc bởi rất ít dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối được công bố. Nhưng Giáo sư luật y tế toàn cầu Lawrence Gostin của Đại học Georgetown (Washington, Mỹ) cho biết, việc Sinopharm được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp sẽ nâng cao danh tiếng của hãng này cũng như các nỗ lực “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc.

Giáo sư Gostin lý giải, thương hiệu Sinopharm từng bị nghi ngờ nghiêm trọng về hiệu quả của nó, nhưng sự chấp thuận của WHO sẽ tạo ra niềm tin rất cần thiết vào vaccine. Nó cũng mở ra cánh cửa cho chương trình Covax do WHO hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine Covid-19.

Trong khi đó, danh sách các quốc gia bắt đầu sản xuất vaccine Trung Quốc ngày càng tăng, bao gồm Pakistan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Argentina, Brazil và Mexico. Ai Cập cũng giống như nhiều quốc gia châu Phi đã không thể đảm bảo đủ vaccine, là nước mới nhất tham gia danh sách đó. Mới đây, chính phủ Ai Cập thông báo rằng họ sẽ bắt đầu tiêm Sinovac vào tháng 6, với công suất hàng năm ban đầu là 40 triệu liều. Chúng sẽ được sử dụng trong nước nhưng cũng được gửi đến các quốc gia châu Phi khác đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm vaccine.

Tận dụng khoảng trống

Giống như Trung Quốc, Nga cũng đang tham gia vào hoạt động ngoại giao vaccine thông qua việc tặng vaccine Sputnik V của họ. Các nhà phân tích cho rằng, điều này đang giúp 2 nước tăng cường quan hệ với nhiều quốc gia mới nổi khi ảnh hưởng của phương Tây suy yếu. Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu, Mỹ và Anh hầu như không có mặt trong hoạt động ngoại giao vaccine. “Các quốc gia đó gặp áp lực chính trị gay gắt trong việc tiêm chủng cho dân chúng trong nước trước. Mặt khác, vaccine AstraZeneca do Vương quốc Anh phát triển dự kiến ban đầu là loại vaccine quan trọng cho các thị trường mới nổi, nhưng do tranh cãi quanh tác dụng phụ của loại vaccine này, Nga và Trung Quốc tận dụng khai thác khoảng trống đó”.

Giáo sư Gostin từ Đại học Georgetown lưu ý rằng, Tổng thống Joe Biden đang chịu áp lực phải làm nhiều hơn nữa để tặng vaccine cho “những quốc gia đang rất cần như Ấn Độ”. Ông nói: “Mỹ đang bắt kịp trong chính sách ngoại giao vaccine và mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới”. Tháng trước, ông Biden cho biết Mỹ sẽ chia sẻ tới 60 triệu liều vaccine AstraZeneca với các quốc gia khác. Washington cũng cho biết, họ sẽ ủng hộ việc miễn trừ về bảo hộ bằng sáng chế cho vaccine Covid-19 trên toàn cầu.

Stephen Chan - Giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi (ở London) cho biết, Trung Quốc đã nhanh chóng tiến hành chính sách “ngoại giao vaccine” và các quốc gia khác chỉ mới bắt kịp. “Các quốc gia tiếp nhận vaccine Trung Quốc ngay cả khi có một số nghi ngờ về Sinopharm trong bối cảnh họ còn đang cảnh giác với dư luận xấu xung quanh các trường hợp bị đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca” - ông Stephan Chan chia sẻ. Nhưng vị giáo sư này nhận định, với châu Phi, họ có sự thôi thúc hãy tiêm bất cứ loại vaccine nào có thể, chứ không phải nguyên nhân xuất phát từ yếu tố chính trị.

Trung Quốc đã nhanh chóng tiến hành chính sách “ngoại giao vaccine”. Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu, Mỹ và Anh hầu như không có mặt trong hoạt động “ngoại giao vaccine” vì gặp áp lực chính trị gay gắt trong việc tiêm chủng cho dân chúng trong nước trước.