Trung Quốc sẽ trả giá đắt vì coi thường tòa án quốc tế trong "vụ Biển Đông"

ANTĐ - Trung Quốc mới đây lại lên tiếng bác bỏ thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) trong việc xét đơn kiện của Philippines về các hành động xâm chiếm trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt vì coi thường tòa án quốc tế.

Trung Quốc sẽ trả giá đắt vì coi thường tòa án quốc tế trong "vụ Biển Đông" ảnh 1Bãi cạn Shcarborough tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines

Không đầy 24h sau khi Tòa trọng tài tại The Hague kết thúc vòng điều trần thứ hai về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh đã lập tức lên tiếng phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lớn tiếng tái khẳng định rằng Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền của PCA, và không chấp nhận bất kỳ giải pháp của bên thứ ba nào liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng: “Tòa án trọng tài được thành lập theo yêu cầu của Philippines không có thẩm quyền xem xét vấn đề Biển Đông và Trung Quốc sẽ không tham gia hoặc chấp nhận bất kỳ kết quả nào của tiến trình trọng tài”. Bà Hoa Xuân Oánh tiếp tục khăng khăng đổ lỗi cho Manila cố tình gây chuyện khi kiện Bắc Kinh. Bà Hoa Xuân Oánh dự đoán rằng những nỗ lực của Philippines “sẽ không đi đến đâu”.

Trong khi đó, các chuyên gia pháp lý cho rằng khả năng Manila thắng kiện là rất cao, đồng thời dẫn lại những lời bác bỏ chi tiết của Tòa trong phiên điều trần về các lập luận của Trung Quốc. Phán quyết cuối cùng được dự kiến đưa ra vào giữa năm 2016. Theo các nhà ngoại giao và giới chuyên gia, một phán quyết như vậy sẽ là một gánh nặng đối với Trung Quốc, đặc biệt ở các hội nghị trong khu vực, bởi đây là lần đầu tiên một tòa án quốc tế can thiệp vào cuộc tranh chấp này, điều khiến Bắc Kinh khó có thể lờ đi. Khi Philippines bắt đầu thủ tục pháp lý chống Trung Quốc vào năm 2013, ít ai chú ý đến vụ kiện, ngoại trừ các nước bị Trung Quốc trực tiếp chèn ép, hay các cường quốc có quan tâm đến Biển Đông như Mỹ hay Nhật Bản. Tuy nhiên, dần dần, nhiều quốc gia châu Á đã bắt đầu chú ý hơn và ngày càng tỏ thái độ ủng hộ tiến trình pháp lý do Manila khởi xướng. 

Chuyên gia về Biển Đông Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore dự đoán: “Các nước khác sẽ sử dụng phán quyết như một “cây gậy” để đánh Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao Trung Quốc lại nhạy cảm với toàn bộ vấn đề này như vậy”. Bà Bonnie Glaser - chuyên gia an ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington - cũng chia sẻ quan điểm này. Bà nói: “Phía Trung Quốc từng cho rằng họ có thể dễ dàng phớt lờ và bác bỏ phán quyết. Theo tôi, trên thực tế, họ sẽ phải trả giá cho điều này trên phương diện quốc tế”. Theo các chuyên gia pháp lý, bất kỳ phán quyết nào chống lại Trung Quốc sẽ mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng không thể thực thi nếu không có sức ép chính trị bởi không một cơ quan nào thực thi các phán quyết này. PCA đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Ông Michael Wesley - Giáo sư ngành Quan hệ quốc tế tại ĐH Quốc gia Australia - nói rằng Trung Quốc sẽ không cảm thấy bị ràng buộc bởi bất kỳ phán quyết nào. Ông nói: “Biển Đông là ví dụ điển hình về cách suy nghĩ của Trung Quốc và có thể nó sẽ dẫn đến việc phủ nhận và thay thế ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, nhưng không thực sự kích động cuộc xung đột lớn nào”. Đối với nhiều nhà ngoại giao, vụ kiện này sẽ góp phần thúc đẩy Bắc Kinh chấp nhận các chuẩn mực pháp lý quốc tế ở tuyến hàng hải này, vốn là nơi trung chuyển lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD mỗi năm. Một số quốc gia đã yêu cầu được làm quan sát viên theo dõi vụ kiện tại The Hague, trong số này có 2 nước cũng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là Việt Nam và Malaysia, ngoài ra còn có Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Australia và gần đây nhất là Vương quốc Anh.

Washington đã ủng hộ vụ kiện, tháng 10-2015, nhân chuyến thăm Bắc Kinh, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề nghị Trung Quốc chấp nhận ra trước các tòa quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Tương tự, sau cuộc hội đàm 2+2 tại Sydney ngày 22-11, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Australia và Nhật Bản cho biết họ ủng hộ quyền của các bên tranh chấp ở Biển Đông để tìm kiếm sự phân xử quốc tế.