Trung Quốc "run rẩy" trước Brexit

ANTĐ - Theo The National Interest, 3 lý do khiến Trung Quốc lo sợ Brexit xảy ra: 

Trung Quốc "run rẩy" trước Brexit ảnh 1

Đòn giáng mạnh vào chính trị, kinh tế Trung Quốc

Thứ nhất, trong bối cảnh áp lực của Mỹ và Nhật Bản tại châu Á ngày càng lớn, Trung Quốc càng cần hướng về EU để tìm kiếm các cơ hội kinh tế. Đây cũng là một trong những động lực chính đứng đằng sau chiến lược: “Một vành đai, một con đường” (One belt, one road) mà nước này đang tiến hành. Trung Quốc đã xây dựng một mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ với Anh với hy vọng đưa nước Anh trở thành một đối tác chính và ủng hộ Bắc Kinh trong EU.

Chiến lược này đã bắt đầu có kết quả. Chính phủ Anh đang vận động EU trao cho Trung Quốc quy chế kinh tế thị trường, giúp hàng hóa Bắc Kinh tránh được nhiều vấn đề liên quan tới các quy định chống bán phá giá. London cũng đã công khai ủng hộ thỏa thuận thương mại tự do trị giá hàng tỷ USD giữa EU và Trung Quốc. Do vậy, Anh rời EU, các nỗ lực của Trung Quốc từ trước tới giờ đối với Anh sẽ… hóa thành bọt biển. 

Thứ hai, Anh là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Trung Quốc dễ vào thị trường châu Âu. Anh rời EU, các công ty tài chính có trụ sở tại Anh sẽ không thể hoạt động và mở chi nhánh ở tất cả các quốc gia thành viên EU mà không cần đăng ký. Đây là một “cú sốc” lớn đối với Bắc Kinh. Và tất nhiên, Anh rời EU, con đường tiếp cận dễ dàng của hàng hóa Trung Quốc từ Anh vào EU sẽ bị cắt đứt.

Thứ ba, London chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Kế hoạch này cũng đã có kết quả. London hiện đã là trung tâm lớn thứ hai trên thế giới giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ, chỉ sau Hồng Kông, Trung Quốc. Hệ thống Thương mại Ngoại hối Trung Quốc, một công ty con của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa thông báo kế hoạch mở chi nhánh ở London. Anh rời EU, vai trò trên của London sẽ không thể được bảo đảm.

Ngoài những tác động trực tiếp trên, Trung Quốc còn lo ngại Brexit sẽ có tác động tiêu cực ngay lập tức đối với EU, nền kinh tế thế giới, làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong một hoặc hai năm tới. Đối với Trung Quốc, hiện đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế, thì Anh rời EU là thách thức không hề nhỏ.

Nga thiệt hại nặng nề

Bà Andrey Sushentsov, Chủ tịch CLB Nghiên cứu chính trị Valdai phân tích: Anh ra khỏi EU thì kinh tế Nga sẽ bị tác hại nặng nề trên nhiều lĩnh vực. Bởi lẽ do đầu tư của Nga tập trung chủ yếu ở Anh và gắn chặt với EU. Trong nhiều thập niên, EU là bạn hàng chính của Nga trên thế giới. Theo số liệu của năm 2015, Nga xuất khẩu sang EU 249 tỷ USD hàng hóa. Trữ lượng vàng và ngoại tệ của Nga hiện nay lên đến 360 tỷ USD. Phần lớn (80%) ký thác ở ngân hàng ngoại quốc và hơn 40% trữ lượng này tính theo trị giá Euro.

Một cuộc “động đất” kinh tế tại châu Âu sẽ gây tác hại vừa trực tiếp vừa gián tiếp cho Nga. Anh ra đi, hai bạn hàng chính còn lại của Nga trong EU là Hà Lan và đảo Síp. Brexit có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa Anh và EU, hệ quả là làm tiêu tan tiền đầu tư của Nga ở ba đối tác quan trọng này.

Trong tương quan địa chính trị, Brexit tác động đến chính sách đối ngoại của Moscow. Theo phân tích của bà Sushentsov thì Anh bỏ EU sẽ làm mô hình dự án Liên minh Kinh tế Á - Âu của Tổng thống Putin mất sinh khí. Thêm nữa, Anh ra đi, EU có thể biến thành một khối do Đức lãnh đạo, hòa thuận với Nga nhưng lợi bất cập hại: Anh không đứng một mình mà sẽ hợp lực với Mỹ và liên kết với những nước Đông Âu cũ thành một khối mới chống Nga quyết liệt hơn.