Trung Quốc "quét" thực phẩm bẩn

ANTD.VN - Trung Quốc đang mạnh tay xử lý tận gốc thực trạng thực phẩm bẩn, “sát thủ” khiến hàng chục nghìn người ở quốc gia đông dân nhất thế giới này tử vong mỗi năm.

Lực lượng chức năng Trung Quốc bắt quả tang một cơ sở kinh doanh sử dụng dầu cống rãnh chế biến thực phẩm

Bộ Công an Trung Quốc (MPS) ngày 3-7 cho biết, cơ quan công an các cấp của Trung Quốc từ đầu năm 2017 đã mở chiến dịch quyết liệt trấn áp đối với các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Theo đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, MPS đã trực tiếp giám sát và chỉ đạo quá trình điều tra và xử lý đối với hơn 80 vụ án lớn, trong đó có trên 40% liên quan đến các hành vi lợi dụng mạng Internet để phạm tội. 

Ngoài ra, các cơ quan công an địa phương của quốc gia này đã xử lý hơn 3.500 vụ phạm pháp liên quan đến tội phạm về ATTP. Cơ quan công an Trung Quốc cũng đã tăng cường hợp tác với công ty thương mại điện tử của nước này, lớn nhất là Alibaba để hoàn thiện cơ chế phối hợp phát hiện và điều tra các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến mạng Internet.

Chiến dịch chống thực phẩm lớn trên quy mô toàn quốc của Trung Quốc được tiến hành khi mà vệ sinh ATTP đã trở thành vấn đề đặc biệt nghiêm trọng với dân số gần 1,4 tỷ người nước này. Số liệu nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển Đô thị thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cuối năm 2016 cho biết, vấn đề vệ sinh ATTP đã khiến hàng vạn người Trung Quốc tử vong trong năm 2015, gây thiệt hại kinh tế hơn 5 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 800 triệu USD). 

Thực phẩm bẩn của Trung Quốc xuất phát từ các nguyên nhân chính như: ô nhiễm đất đai, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng kháng sinh… Đặc biệt là sự vô trách nhiệm, nhắm mắt chạy theo lợi nhuận của con người trong khi các cơ quan kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo và xuất hiện cả những dấu hiệu tiêu cực.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, các chất độc hại đã gây ô nhiễm môi trường đất, tích tụ lâu dài trong đất, tạo thành “bom” hóa học nổ chậm sẵn sàng kích hoạt bất cứ lúc nào. Hiện nay, Trung Quốc có từ 13 triệu đến 16 triệu mẫu đất canh tác đã bị ô nhiễm, khoảng 80% các loại thuốc bảo vệ thực vật trực tiếp ngấm vào đất đai, phát thải ra ra môi trường, trực tiếp đe dọa bữa cơm hàng ngày của dân. 

Lượng phân hóa học sử dụng trong nông nghiệp của Trung Quốc chiếm tới 35% lượng dùng của cả thế giới, bẳng tổng số lượng sử dụng của hai nước Mỹ và Ấn Độ. Hiện nay, mỗi mẫu đất canh tác ở Trung Quốc sử dụng tới 21,9kg phân hóa học/năm trong khi mức trung bình trên thế giới là 8kg, cao gấp 2,6 lần ở Mỹ và 2,5 lần tại Liên minh châu Âu (EU).

Cùng với việc bị “đầu độc” gián tiếp qua thuốc bảo vệ thực vật, tồn dư hóa chất…, người dân Trung Quốc còn phải sử dụng những thực phẩm bị “đầu độc” trực tiếp mà một trong số đó là việc dùng tràn lan dầu ăn tái chế (người Trung Quốc gọi là “dầu cống rãnh”, lấy lên từ cống rãnh ở nhà hàng rồi tái sử dụng) làm gia tăng nguy cơ ung thư.

Theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, mỗi năm số “dầu cống rãnh” bị những kẻ bất lương đưa quay vòng lại bàn ăn lên tới từ 2 triệu đến 3 triệu tấn, trong khi thứ dầu độc hại này chứa lượng Benzopyrene và Aflatoxin độc gấp 100 lần Arsenic, rất dễ gây nên các chứng ung thư dạ dày, trực tràng, gan, vú và buồng trứng. 

Nhằm tạo chuyển biến mạnh trong việc giải quyết thực phẩm bẩn, bên cạnh biện pháp mạnh tay của công an, Trung Quốc cũng triển khai chiến lược dài hơi, siết chặt các quy định và sửa đổi các tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP và dược phẩm. Trung Quốc đang tiến hành sửa luật để xử lý hình sự  các hành vi làm giả thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng, sửa đổi ít nhất 300 tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP và khoảng 3.050 tiêu chuẩn về an toàn dược phẩm trong 5 năm tới.