Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo mới, nhiều nước lo ngại

ANTĐ - Trang mạng “Quan sát quân sự” của Nga cho biết, đầu tháng 3 vừa qua, trên các phương tiện truyền thông phương Tây lại một lần nữa xuất hiện thông tin về loại tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới mới DF-26C của Trung Quốc.

Báo chí phương Tây cho rằng, loại tên lửa đạn đạo có uy lực rất mạnh này đã gây ảnh hưởng rõ rệt đến cán cân lực lượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Tờ “Hải đăng tự do Washington” (Washington Free Beacon) dẫn lời một quan chức quân sự Mỹ giấu tên cho biết, Trung Quốc  đã chế tạo một phiên bản mới nhất thuộc dòng tên lửa đạn đạo Đông Phong (DF). Loại tên lửa này có phiên hiệu DF-26C, tầm bắn 3500-4000km, được biên chế về cho binh chủng pháo binh 2 (lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc).

Sự xuất hiện của DF-26C đã khiến cho 1 số quốc gia xung quanh như Ấn Độ, Nhật Bản bất an vì khoảng cách địa lý quá gần. Ngay cả Mỹ cũng cảm thấy không yên vì các căn cứ quân sự của họ ở Nhật Bản, Hàn Quốc đều nằm trong phạm vi uy hiếp của loại tên lửa này, ngay cả Guam cũng không ngoại lệ vì chỉ cách khu vực duyên hải Trung Quốc khoảng 3000 km.

Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo mới, nhiều nước lo ngại ảnh 1

Tên lửa đạn đạo DF-26C sẽ hợp với DF-21 thành một “cặp bài trùng”

Không có nhiều thông tin về loại tên lửa mới này của Trung Quốc, hiện nay người ta mới chỉ biết một số tham số cơ bản. Theo đó, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26C là loại tên lửa được lắp đặt trên xe bánh lốp cơ động, chúng được cất trữ trong các công sự kiên cố, chỉ trước khi phóng nó mới di chuyển ra ngoài. Sở dĩ người ta phán đoán như vậy, bởi vì cho đến nay vẫn chưa ai biết địa điểm triển khai của chúng ở đâu.

Căn cứ vào số liệu hiện có, DF-26C sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, có tầm phóng vượt qua thế hệ DF-3, trang bị phóng tự hành khiến nó có khả năng cơ động ngang tầm thế hệ tên lửa DF-21.

Việc trang bị đồng thời cả 2 loại tên lửa DF-26C và DF-21 sẽ giúp nâng cao khả năng tấn công của quân đội Trung Quốc. DF-21 sẽ phá hủy các mục tiêu trong phạm vi tấn công 1800km, khoảng cách còn lại đến 4000km sẽ thuộc nhiệm vụ của DF-26C.

Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo mới, nhiều nước lo ngại ảnh 2

Hình ảnh được cho là tên lửa đạn đạo DF-26C trên các trang mạng của Trung Quốc

Với tầm bắn này, dù được triển khai ở bất cứ địa điểm nào, DF-26C cũng có khả năng tấn công bao trùm một khu vực lớn. Về phía đông, nó có thể tấn công tới Nhật Bản, căn cứ quân sự Guam của Mỹ. Về phía tây, nó có thể tấn công đến lãnh thổ một số quốc gia Trung Đông, cả Ấn Độ cũng nằm trong phạm vi răn đe của DF-26C.

Được biết, loại tên lửa này có thể lắp đặt cả đầu đạn thường lẫn đầu đạn hạt nhân nên tính linh hoạt rất cao, uy lực tấn công rất khó lường. Hơn nữa, DF-26C được triển khai trên xe cơ động nên khó theo dõi và đánh chặn. Xét về cục diện châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai, sở hữu tên lửa DF-26C là một lợi thế lớn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, nó sẽ khiến nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ… lo ngại, dẫn đến phải tăng cường ngân sách quốc phòng, phát triển vũ khí để bảo vệ và đáp trả.