Trung Quốc: Ô nhiễm gia tăng người dân phẫn nộ

ANTĐ - Gần đây Trung Quốc liên tục đối mặt với tình trạng bất ổn an ninh xuất phát từ  sự bất mãn của người dân với các chính sách điều hành của chính phủ. Một trong những bức xúc đó là về vấn đề kinh tế phát triển quá nóng, trong khi các biện pháp bảo vệ môi trường lại bị phớt lờ, khiến các cuộc biểu tình với khẩu hiệu bảo vệ môi trường bùng nổ tại đất nước này. 

Người dân phải dùng nước sinh hoạt từ dòng sông Quý Dư, Quảng Đông ô nhiễm nặng

Quảng Đông: Phản đối xây dựng nhà máy hóa chất

Cuối tháng 3 vừa qua, hơn 1.000 người dân thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, đã xuống đường biểu tình phản đối xây dựng nhà máy sản xuất paraxylene (dự án PX), một chất hóa dầu có khả năng gây ung thư và ô nhiễm môi trường cao. Những ngày sau đó, cuộc biểu tình lan rộng sang các thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông như Quảng Châu, Thâm Quyến. Vào ngày 3-4, nhiều người dân đã đội mưa lớn tụ tập trên đường phố Thâm Quyến để phản đối và yêu cầu chính quyền hủy bỏ dự án PX. Trước đó, ngày 1-4, 200 người dân cũng đã biểu tình phản đối dự án này.

Những người biểu tình gương cao biểu ngữ như: “Phản đối PX, trả lại sự sạch sẽ cho mảnh đất của chúng tôi”, “Dự án PX phải biến khỏi Mậu Danh”. Người biểu tình còn yêu cầu chính phủ thả tự do cho những người bị bắt giữ trước đó và công khai xin lỗi người dân. Được biết, liên quan đến vụ biểu tình phản đối nhà máy sản xuất paraxylene này vào ngày 30-3 đã có 44 người tham gia biểu tình đã bị điều tra, trong đó 18 người bị bắt giữ, 26 người bị phạt hành chính. “Chính quyền tỉnh có trách nhiệm phải giải quyết vấn đề này. Thật là sai trái khi lực lượng cảnh sát vũ trang lại gây thương tích và đánh người”, một người biểu tình giấu tên nói với Reuters. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã phủ nhận tin đồn 15 người chết và 300 người bị thương khi cảnh sát giải tán đám đông biểu tình. Trước sức ép từ những người biểu tình, ông Lương La Diệu, Phó Chủ tịch thành phố Mậu Danh khẳng định, thành phố sẽ không khởi công dự án khi chưa có sự đồng thuận của người dân.

Thực tế, các cuộc biểu tình phản đối nhà máy sản xuất paraxylene đã diễn ra từ nhiều năm trước tại Trung Quốc. Năm 2013 tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam; năm 2012 tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang; năm 2007, tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến... chính quyền địa phương đã phải “mướt mồ hôi” để kiểm soát biểu tình do người dân lo ngại nguy cơ ung thư từ các nhà máy công nghiệp. Ngày 4-5-2013, hơn 200 người dân thành phố Côn Minh xuống đường để phản đối kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chất hóa dầu độc hại paraxylene. Cùng ngày, cảnh sát thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, đã được huy động đề phòng trường hợp người dân xuống đường phản đối kế hoạch xây dựng nhà máy hóa chất PX tại địa phương. Quảng Thiên Phủ ở thành phố Thành Đô vào ngày hôm đó không mở cửa cho khách du lịch; xung quanh quảng trường, cứ vài mét là có nhân viên cảnh sát. Giải thích về sự có mặt đông đúc của lực lượng cảnh sát, cảnh sát Thành Đô cho biết họ diễn tập cứu nạn khi xảy ra động đất. Tuy nhiên, lý do này bị cư dân mạng bác bỏ. Trong sự kiểm soát tình hình nghiêm ngặt, hoạt động biểu tình phản đối dự án PX của người dân Thành Đô đã không diễn ra. 

Trẻ em tại nhiều vùng quê ở Trung Quốc phải uống nước từ những nguồn như thế này

Giang Tô: Phản đối xây đường ống nước thải

Cuối tháng 7-2012, tại thành phố Khải Đông, tỉnh Giang Tô, xảy ra một cuộc biểu tình quy mô lớn, phản đối xây dựng một đường ống dẫn nước thải từ một nhà máy xuống vùng biển gần thành phố. Hàng nghìn người dân đã tấn công cơ quan chính quyền, chiếm lĩnh tòa nhà, lật úp, phá hủy xe cảnh sát, bao vây chủ tịch thành phố và yêu cầu quan chức địa phương mặc những chiếc áo có khẩu hiệu kịch liệt phản đối xây dựng đường ống nước thải. 

Nguyên nhân của cuộc biểu tình là do người dân lo ngại dự án này sẽ tác động xấu tới sức khỏe, phá hủy môi trường biển, ảnh hưởng đến khả năng khai thác cá của ngư dân Khải Đông. Theo tờ Tài Tân, từ sau khi kế hoạch xây dựng đường ống nước thải tại Khải Đông được công bố, trên các diễn đàn, blog… người dân đã bàn tán sôi nổi và kêu gọi chính quyền lắng nghe ý kiến. Sự việc ngày càng xấu đi khi càng nhiều người dân phẫn nộ do chính quyền chưa đưa ra tuyên bố đình chỉ xây dựng. Trước khi cuộc biểu tình diễn ra 2 ngày, 26-7, chính quyền Khải Đông đã phát đi “Thư gửi các cư dân thành phố” để thông báo sẽ tạm thời dừng việc xây dựng đường ống dẫn nước thải. Tuy nhiên, người dân lo ngại và bức xúc trước cụm từ “tạm dừng” mang tính xoa dịu tình hình của chính quyền nên cuộc biểu tình vào sáng sớm 28-7 của hàng nghìn người đã nổ ra. Sau cuộc biểu tình nghiêm trọng này, chính quyền Khải Đông đã phải thông báo ngừng xây dựng công trình đường ống dẫn nước thải. 

Tứ Xuyên: Phản đối xây nhà máy sản xuất đồng

Cũng trong tháng 7-2012, một cuộc biểu tình của hàng trăm người dân thành phố Thập Phương, tỉnh Tứ Xuyên đã diễn ra với nguyện vọng nhà chức trách phải hủy bỏ dự án xây dựng nhà máy sản xuất đồng. Cuộc biểu tình này diễn ra với lý do bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Sau biểu tình, một thông báo từ  cơ quan chức năng thành phố Thập Phương vào tối 2-7 cho biết, trưa hôm trước đã có một số người dân quá khích tấn công cơ quan chính quyền. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông, trong đó có 13 người dân bị thương. Chính quyền thành phố cũng cho biết, vào trưa 2-7, các lãnh đạo thành phố đã có buổi trả lời những thắc mắc liên quan đến dự án nhà máy sản xuất đồng với người dân, đơn vị thi công sẽ ngừng xây dựng nếu như người dân không ủng hộ dự án này.

Chiết Giang: Đập phá nhà máy gây ô nhiễm

Khoảng 500 người dân đã tụ tập bên ngoài trụ sở Công ty Năng lượng mặt trời Jinko tại thị trấn Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang vào tháng 9-2011 để phản đối việc xả thải ô nhiễm. Một số người biểu tình đã xông vào Công ty Jinko, lật đổ 8 chiếc ô tô, đập phá văn phòng. Cuộc biểu tình này diễn ra trong 3 ngày kể từ 15-9, ngày thứ 2, người dân đã phá hủy 4 xe cảnh sát. Một người đàn ông 64 tuổi cho biết, nhà máy này không chỉ xả nước thải ô nhiễm ra sông mà còn có hàng chục ống xả khói đen kịt lên bầu trời. Đặc biệt, cách nhà máy này chưa đầy 1km là 1 trường tiểu học và 1 trường mẫu giáo, còn nhà ông này chỉ cách nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời của Jinko khoảng 500m. Theo Tân Hoa xã, từ tháng 4-2011, rác thải công nghiệp của Công ty Jinko không đạt tiêu chuẩn xả thải, mặc dù được chính quyền cảnh báo nhưng công ty đã phớt lờ. Có thể việc xử lý nhà máy xả thải ô nhiễm đã diễn tiến chậm chạp, trong khi cuộc sống của người dân đứng trước đe dọa từng ngày nên dẫn đến cuộc biểu tình phẫn nộ ngay tại nhà máy của công ty Jinko.

Sơn Đông: Đeo khẩu trang đi biểu tình 

Đầu năm 2013, trong màn khói mù dày đặc chứa đầy chất độc, các sinh viên trường Đại học Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông, đã đồng loạt đeo khẩu trang, biểu tình yêu cầu chính quyền có những biện pháp bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân. Ô nhiễm khói mù trở thành vấn đề đau đầu của các cơ quan bảo vệ môi trường Trung Quốc khi tần suất của những đợt khói mù ngày càng nhiều. Khói mù bao phủ cả Thủ đô Bắc Kinh và khoảng 30 thành phố khác ở miền bắc và miền đông của nước này. Các bệnh về đường hô hấp tăng cao do ô nhiễm không khí này. Theo China Daily, hoạt động của con người là nhân tố chính khiến không khí ô nhiễm, khắp nơi tại Trung Quốc tràn lan công trường xây dựng, số lượng xe ô tô cá nhân tăng cao, các nhà máy xả khí thải ô nhiễm. Trước đó, năm 2012, tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc đã xuất hiện một cô gái trẻ để hở ngực với hành động táo bạo là cầm biểu ngữ phản đối việc phá rừng để trồng nhân sâm. “Tôi muốn nhiều người hiểu được ý nghĩa quan trọng của cây xanh, tài nguyên rừng, nguồn nước” – cô gái chia sẻ và cho biết việc lộ ngực là để thu hút sự chú ý của người đi đường về mục đích bảo vệ môi trường.