Trung Quốc nuối tiếc khi không mua được oanh tạc cơ Tu-160?

ANTĐ - Theo Sina Military Network, Trung Quốc có thể sẽ vô cùng tiếc nuối khi không mua được các máy bay ném bom Tu-160 "White Swan" từ Ukraine những năm 1990. 

Theo truyền thông Nga, Trung Quốc đã từng rất chú ý đến các máy bay ném bom chiến lược siêu âm nhằm phục vụ nhu cầu tấn công tầm xa. Máy bay ném bom Tu-160, hiện vẫn đang là chiếc oanh tạc cơ lớn nhất thế giới, có khả năng mang được nhiều loại bom, bao gồm cả các đầu đạn hạt nhân, có tầm hoạt động 14.000 km, điều cho phép có thể tấn công nội địa Mỹ với tốc độ siêu âm.

Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất của Tu-160 đã bị tạm ngừng từ khi Liên bang Xô-viết sụp đổ, từ đó ảnh hưởng đến lời đề nghị mua chiếc máy bay này từ Trung Quốc vào những năm 1990.

Máy bay ném bom Tu-160 "White Swan" của Nga

Trung Quốc sau đó đã tìm cách tiếp cận với 19 máy bay Tu-160 của Ukraine, nước không còn khả năng sử dụng và thậm chí duy trì các máy bay trên. Trung Quốc đã tiến rất gần với các thoả thuận mua Tu-160, kèm theo các các chiến đấu cơ Su-33 và cả tên lửa không đối không R27, tuy nhiên, Nga đã gây áp lực và buộc Ukraine phải huỷ bỏ hợp đồng.

Vào năm 1999, Ukraine đã trả lại 8 oanh tạc cơ Tu-160 cho Nga nhằm thay thế cho các khoản nợ khí đốt và Mỹ cũng đã can thiệp để Trung Quốc và Nga không nhận được số Tu-160 còn lại của Ukraine.

Trong một thoả thuận nhằm tiêu huỷ các vũ khí còn sót lại từ thời Xô-viết, Ukraine đã tháo dỡ số Tu-160 còn lại, cùng với hơn 40 chiếc máy bay ném bom Tu-22M3, 230 tên lửa chống hạm tầm xa Kh-22 và 483 tên lửa hành trình tầm xa X-55 vào năm 2006. Đổi lại, Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine 15 triệu USD, trong đó 8 triệu USD dùng cho việc phá huỷ các loại vũ khí nói trên.

Mới đây, Nga mới tuyên bố sản xuất lại phiên bản nâng cấp của các máy bay Tu-160 với khả năng tàng hình và nhiều tính năng khác, điều làm dấy lên câu hỏi, liệu Trung Quốc có một lần nữa tìm cách thuyết phục Moscow bán các máy bay này hay không?

Truyền thông Nga cho biết, mặc dù Trung Quốc là một đối tác quan trọng, tuy nhiên, Tu-160 là một máy ném bom chiến lược đóng vai trò xương sống của lực lượng răn đe hạt nhân Nga, nên Moscow chắc chắn sẽ không đồng ý bán cho Trung Quốc hay nước nào khác.

Bên cạnh đó, các chuyên gia Trung Quốc, cũng nhận định rằng, mặc dù Bắc Kinh từng rất muốn các máy bay Tu-160 từ Nga, nhưng không có nhiều khả năng họ sẽ muốn mua vào thời điểm hiện tại do, trên thực tế, Trung Quốc cũng đang tự sản xuất đại trà các máy bay ném bom H-6, vốn có giấy phép sản xuất dựa theo Tu-16 của Liên-xô.