Trung Quốc nổi giận vì Mỹ bán cho Đài Loan 4 tàu hộ vệ cực khủng lớp Perry

ANTĐ - Ngày 20.11,  Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Mỹ đã cho phép chính phủ Mỹ bán cho Đài Loan 4 chiếc tàu hộ vệ lớp Oliver Hazard Perry.

Theo báo cáo, các thành viên Hạ viện Mỹ, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Ed Royce đã đề xuất “Luật sửa đổi về chuyển giao tàu chiến hải quân và kiểm soát xuất khẩu vũ khí năm 2013”, cho phép chính phủ Mỹ bán cho Đài Loan 4 chiếc tàu hộ vệ lớp Oliver Hazard Perry. Trước đây Mỹ đã từng bán cho Đài Loan 4 chiếc tàu chiến loại này.

Tàu tuần tiễu lớp Oliver Hazard Perry (còn được coi là tàu hộ vệ), có chiều dài 136m, lượng giãn nước 4.200 tấn, thủy thủ đoàn 176 người. Tàu có phạm vi hành trình tối đa 8.334 km, tốc độ tối đa 29 hải lý/h. Trên tàu có một nhà chứa máy bay có thể sử dụng cho 2 trực thăng.

Nguyên bản tàu hộ vệ lớp Oliver Hazard Perry được trang bị tên lửa hành trình chống hạm chủ lực RGM-84 Harpoon (tầm bắn 130km) được phóng đi từ bệ phóng Mk-13. Bệ phóng Mk-13 cũng được dùng để phóng tên lửa đối không tầm trung SM-1MR (dự trữ 40 đạn) có khả năng bắn hạ mục tiêu ở trần bay hơn 24.000m, tầm bắn từ 70-170km. 

Oliver Hazard Perry được trang bị pháo hạm Oto Melara Mk75 cỡ 76mm có khả năng tiêu diệt mục tiêu cỡ nhỏ tầm gần ở cự ly tối đa 16km và mục tiêu trên không tầm bắn 12km. Nó được còn trang bị tổ hợp pháo phòng không tầm cực gần Phalanx Mk15 Block 1B (tầm bắn 1.500m) cung cấp khả năng đánh chặn tên lửa hành trình đối hạm và chống máy bay tầm thấp. 

Tàu hộ vệ lớp Oliver Hazard Perry của Mỹ

Để thực hiện nhiệm vụ săn lùng tàu ngầm, Oliver Hazard Perry trang bị 2 cụm ống phóng MK32 bắn ngư lôi hạng nhẹ Mk-46 (tiêu diệt mục tiêu ở tầm 11km) và ngư lôi hạng nặng Mk50 (tiêu diệt mục tiêu ở tầm 15km). Với lượng giãn nước lớn và hệ thống vũ khí mạnh mẽ, đến nay Oliver Hazard Perry vẫn được sử dụng trong hải quân 8 nước trên thế giới.

Tuy nhiên, đầu những năm 2000, Hải quân Mỹ đã tiến hành gỡ bỏ hầu hết các bệ phóng Mk-13, hệ thống tên lửa chống tàu RGM-84 Harpoon và tên lửa đối không SM-1MR trên tàu. Như vậy, Oliver Hazard Perry mất hoàn toàn khả năng phòng không tầm trung và tiêu diệt mục tiêu trên biển ở tầm xa. 

Tuy nhiên, việc khôi phục những hệ thống vũ khí này đối với Đài Loan không thành vấn đề, họ có thể lắp đặt trên tàu các hệ thống tên lửa chống hạm Hùng Phong II/III, tên lửa phòng không và ngư lôi của mình của mình như đã từng làm với tàu hộ vệ lớp Thành Công - một phiên bản sản xuất tại Đài Loan của tàu hộ vệ lớp Oliver Hazard Perry.

Ngày 21-11, Trung Quốc đã tổ chức họp báo bày tỏ sự không hài lòng và kiên quyết phản đối các Ủy ban của Quốc hội Mỹ thông qua dự án bán vũ khí cho Đài Loan và hối thúc Quốc hội Mỹ tuân thủ chính sách một nước Trung Quốc và các tuyên bố chung Trung - Mỹ.

Người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi kêu gọi, Mỹ phải chấm dứt ngay bất kỳ hình thức bán vũ khí nào cho Đài Loan đồng thời ngừng làm những việc gây tổn hại đến mối quan hệ Mỹ-Trung cũng như sự phát triển hòa bình của quan hệ song phương giữa hai bờ eo biển Đài Loan”.