Trung Quốc nỗ lực trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường

ANTD.VN - Bộ Môi trường Sinh thái Trung Quốc cho biết sẽ thực thực thi kế hoạch hành động 3 năm, bắt đầu từ năm nay, nhằm kiểm soát chặt chẽ các hành vi vi phạm môi trường, trong đó có cả hành vi ngụy tạo và can thiệp vào dữ liệu giám sát. 

Trung Quốc nỗ lực trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường ảnh 1Khách du lịch đeo khẩu trang chống ô nhiễm tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã chấp nhận ô nhiễm môi trường là cái giá tất yếu phải trả để đổi lấy sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế vốn giúp nâng cao nguồn thu nhập cho hàng trăm triệu người dân. 

Khí thải, cùng với ô nhiễm nguồn nước và đất đai, không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và môi trường của quốc gia đông dân nhất thế giới này, mà còn làm xấu đi hình ảnh một cường quốc đang nổi. Các du khách và doanh nghiệp không khỏi ái ngại khi Thủ đô Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn thường xuyên bị bao phủ bởi làn khói bụi dày đặc.

Theo số liệu của Cơ quan giám sát môi trường Mỹ, hàm lượng hạt PM2.5 - loại hạt bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micrômét và đặc biệt nguy hiểm - đo được tại Bắc Kinh có lúc đã lên tới 300 microgram/mét khối, cao hơn 12 lần so với mức tối đa theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới. Nghiêm trọng hơn, biến đổi khí hậu toàn cầu cũng gây ra nhiều mối đe dọa đối với Trung Quốc như hạn hán, lũ lụt.  

Với tuyên bố thực hiện “cuộc chiến chống lại ô nhiễm”, Trung Quốc đã mạnh tay tiến hành các biện pháp cứng rắn như thành lập tòa án chuyên trách các vụ án môi trường, đề ra các hình phạt trực tiếp và phạt nặng những người vi phạm.

Cơ quan giám sát môi trường hàng đầu của Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát và kiểm tra dữ liệu do các cơ quan giám sát cấp tỉnh, cấp thành thị và cấp quận, huyện cung cấp. Những nhân tố gây ô nhiễm ở các khu vực trọng điểm như Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc và Đồng bằng sông Dương Tử sẽ được xem xét kỹ lưỡng.

Kế hoạch Hành động Phòng chống ô nhiễm của Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra những mục tiêu nghiêm ngặt hơn đối với các khu vực nguy hiểm ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử và đồng bằng sông Châu Giang. Do vấn đề môi trường có tính chất xuyên biên giới nên các khu vực lân cận đang tăng cường phối hợp hành động tập thể, làm tăng đáng kể hiệu quả và quy mô xử lý tình trạng ô nhiễm. 

Một loạt chương trình và sáng kiến hiện tại được chính quyền tăng cường. Đó là giảm sử dụng các nhà máy điện đốt than và tăng cường chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Cơ quan Năng lượng Quốc gia đã yêu cầu 13 chính quyền địa phương ngừng cấp phép cho các nhà máy điện đốt than mới trong vòng 3 năm, loại bỏ các nhà máy sản xuất năng lượng lỗi thời cũng được đặt trong danh sách những việc ưu tiên hàng đầu. Trong cuộc họp báo thường niên mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố “đẩy mạnh cuộc chiến chống ô nhiễm”, đồng thời cam kết sẽ đóng cửa 50.000 lò sản xuất than đá và cấm lưu thông khoảng 6 triệu xe ô tô cũ ở Thủ đô Bắc Kinh.

Trên phương diện quốc tế, Trung Quốc đã đưa vào Dự thảo đóng góp quốc gia trình lên Liên hợp quốc cam kết hạn chế lượng khí thải carbon tối đa vào năm 2030 và tăng mức sử dụng nhiên liệu phi hóa thạch lên đến 20% tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Paris. 

Với những chính sách quyết liệt và quyết tâm cao, Trung Quốc có lý do để lạc quan về sự cải thiện trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại quốc gia rộng nhất và đông dân nhất thế giới này.