Trung Quốc: Những kẻ đào trộm mộ có thể bị tử hình

ANTĐ - Tuần qua, Trung Quốc đã tuyên án tử hình kẻ cầm đầu một băng nhóm gây ra nhiều vụ đào trộm mộ cổ nhất nước này. Tuy đây là án tử hình hoãn thi hành 2 năm, nhưng giới phân tích nhận định bản án nặng hiếm thấy này sẽ cảnh tỉnh những kẻ muốn đầu quân cho “ngành công nghiệp” đào trộm mộ cổ chưa được kiểm soát ở Trung Quốc.

Trung Quốc: Những kẻ đào trộm mộ có thể bị tử hình ảnh 1Đối tượng Diêu Ngọc Trung bị dẫn vào phòng xét xử

Nở rộ “ngành công nghiệp” đào trộm mộ

Thủ lĩnh của băng đảng trên, Diêu Ngọc Trung (SN 1962, quê ở thành phố Xích Phong thuộc Khu tự trị Nội Mông) bị cáo buộc  các tội danh: đào trộm mộ, cướp phá và bán những cổ vật bị lấy cắp. Băng nhóm của Diêu hoạt động rất tinh vi, có nguồn quỹ cho việc tìm kiếm và chuyên cướp phá di tích lịch sử, Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Triều Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh ở Đông Bắc Trung Quốc nhận định. 

22 thành viên của băng nhóm Diêu phải lĩnh các mức án tù có thời hạn khác nhau, trong khi 3 đối tượng khác nhận án chung thân. Theo Luật Hình sự Trung Quốc, những kẻ đào trộm mộ có thể bị tuyên án từ hơn 10 năm tù giam cho tới chung thân tùy theo mức độ phạm tội. Được biết, cảnh sát đã thu giữ 32 cổ vật do nhóm Diêu đào trộm, trong đó 16 món thuộc loại được nhà nước bảo vệ cấp độ 1; 77 món đồ khác vẫn nằm trong tay các thành viên băng nhóm này và đang được cảnh sát yêu cầu giao nộp.

Việc bắt giữ băng nhóm do Diêu cầm đầu là một trong những vụ đánh vào tội phạm đào trộm mộ lớn nhất mà Bộ Công an Trung Quốc thực hiện từ năm 1949. Nhóm này nằm trong 12 băng đảng dính líu tới hoạt động khai quật trái phép tại khu vực Ngưu Hà Lương - một địa điểm thuộc thời kỳ đồ đá mới ở tỉnh Liêu Ninh. 

Theo hãng Tân Hoa xã, từ năm 1949, cảnh sát đã bắt giữ 225 người và thu 2.063 đồ vật có giá trị lịch sử (trong đó 248 đồ vật thuộc loại được quốc gia bảo vệ hàng đầu) liên quan tới các vụ đào trộm mộ và buôn lậu cổ vật. Chuyên gia khảo cổ Nghê Phương Lục nhận định, hình phạt tử hình có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của “ngành công nghiệp” đào trộm mộ ở Trung Quốc.

Bận rộn hơn cả chuyên gia 

Giới phân tích cho rằng, những kẻ đào trộm mộ thực hiện nhiều cuộc khai quật hơn các nhà khảo cổ chính thống ở Trung Quốc. Các cổ vật được tìm thấy thường bị bán ra nước ngoài với giá cao hơn hoặc được những nhà sưu tập tư nhân, thậm chí cả viện bảo tàng công trong nước thu mua. Tờ tuần san Pháp luật của Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia giấu tên trong giới cổ vật cho biết, năm 2010 số kẻ đào trộm mộ ở Trung Quốc có thể là 100.000 người tại 6 tỉnh, gồm Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Tây, Thiểm Tây, Hồ Nam và Cam Túc.

Để xác định vị trí các ngôi mộ, những kẻ đào trộm thường bỏ công nghiên cứu lịch sử và phong thủy. Chẳng hạn, chúng biết rằng mộ của hoàng đế hay nằm ở vị trí tựa sơn vọng thủy và mỗi triều đại có những nghi lễ an táng khác nhau, ông Nghê cho biết.

Ông Lưu - người đang làm việc để lấy lại những cổ vật Trung Quốc trôi nổi ở nước ngoài, ước tính khoảng 100.000 cổ vật có thể đã được chuyển đến những trung tâm phân loại phi pháp tại Đại Lục trước khi bị đưa đến Hồng Kông hay Đài Loan và sau đó tới Anh - quốc gia được coi là trung tâm quốc tế của nạn buôn lậu đồ cổ, tờ tuần san Pháp luật Trung Quốc đưa tin.

 “Các bảo tàng ở Trung Quốc cũng sẵn sàng trả tiền để có được cổ vật bị đào trộm. Điều này khiến nạn đào trộm cổ vật càng phát triển” - ông Nghê cho biết. Đặc biệt, “số phận” của những di tích lịch sử ở Trung Quốc không chỉ bị đe dọa bởi hoạt động đào trộm mộ mà còn bị ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa. Đây là nhận định của ông Từ - người đứng đầu Viện Khảo cổ và di tích văn hóa của tỉnh Giang Tây.  Ông Từ từng kêu gọi chính quyền cân bằng giữa việc xây dựng cơ sở hạ tầng với công tác khai quật và bảo vệ cổ vật.