Trung Quốc ngày càng lộ rõ âm mưu độc chiếm biển Đông

ANTĐ - Tình hình biển Đông trở nên căng thẳng trước âm mưu độc chiếm biển Đông đang ngày càng lộ rõ của phía Trung Quốc. Trong khi đó, tại biển Hoa Đông, Nhật Bản đã triển khai tên lửa ở gần vùng tranh chấp nhằm “ngăn chặn các cuộc tấn công của Trung Quốc”.
Trung Quốc cố tình làm sai lệch Công thư năm 1958

Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế diễn ra chiều 16-6, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia tiếp tục đưa ra những bằng chứng bác bỏ những luận điệu sai trái mà Trung Quốc đưa ra nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế đối với các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại biển Đông. 

Theo ông Trần Duy Hải, Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975 như là bằng chứng về việc Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. "Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự xuyên tạc này", ông Hải cho biết.
Trung Quốc ngày càng lộ rõ âm mưu độc chiếm biển Đông ảnh 1
Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia phát biểu tại buổi họp báo chiều 17-6


Theo ông Hải, thứ nhất, Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là tài liệu thông báo về việc các cơ quan của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc và bức thư không đề cập gì đến vấn đề chủ quyền.

Trong bối cảnh lịch sử năm 1958, hành động của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là nhằm ủng hộ việc Trung Quốc mở rộng vành đai an ninh trên biển từ 3 lên 12 hải lý. Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc đã cố tình diễn giải sai ý nghĩa và bối cảnh lịch sử của bức thư để phục vụ cho yêu sách lãnh thổ sai trái của mình.

Thứ hai, là một bên ký kết Hiệp định Geneva năm 1954, Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng theo quy định của Hiệp định, Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17, thuộc phạm vi quản lý của Việt Nam Cộng hòa, không thuộc phạm vi quản lý thực tế của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước Việt Nam thống nhất từ năm 1976 đã ngay lập tức kế thừa và nhất quán khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa do các đại diện khác nhau của Việt Nam thiết lập vững chắc trong lịch sử.

Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đều đã có tuyên bố bày tỏ quan điểm và phản đối hành động của Trung Quốc. Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn về hành vi sử dụng vũ lực của Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, việc sử dụng vũ lực chiếm đóng một vùng lãnh thổ không thể tạo ra chủ quyền.

Ông Trần Duy Hải cũng cho biết thêm, năm 1958, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình lúc đó là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rất rõ bối cảnh lịch sử liên quan đến các tài liệu mà Trung Quốc trích dẫn. Do vậy đến tháng 9-1975, với cương vị là Phó Chủ tịch Đảng, Phó Thủ tướng, trong trao đổi với lãnh đạo Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận giữa hai nước có ý kiến khác nhau về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau này hai nước sẽ bàn bạc, giải quyết. Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12-5-1988 đã ghi nhận rõ ràng nội dung phát biểu này của ông Đặng Tiểu Bình.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử đó và nghiêm túc đàm phán với Việt Nam về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa", ông Trần Duy Hải nhấn mạnh. 

Trung Quốc đẩy mạnh chương trình độc chiếm biển Đông

Ngày 16-6, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng, Trung Quốc đang đẩy mạnh chương trình mở rộng trên biển để hoàn thành việc độc chiếm biển Đông, trước khi các nước ASEAN và Trung Quốc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC). 

Trung Quốc ngày càng lộ rõ âm mưu độc chiếm biển Đông ảnh 2
Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân loại 094 của Trung Quốc


Ngoại trưởng Philippines cũng đồng ý với trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Danny Russel rằng cần ngừng các hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực trong khi tiến hành xây dựng COC. 

Ông Del Rosario cho rằng, đây là một cách tiếp cận hợp lý và Philippines muốn bắt đầu bằng việc đề xuất với ASEAN đưa ra lệnh cấm xây dựng trên biển Đông, sau khi Trung Quốc tăng cường xây dựng hàng loạt công trình trong khu vực.

Trước đó, hôm 15-6, Philippines đã phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với rạn san hô McKennan-Hughes ở Trường Sa. Báo chí Philippines dẫn lời nguồn tin chính phủ nước này cho biết, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với 5 hòn đảo ở Trường Sa và xây dựng nhiều công trình, trong đó có căn cứ quân sự, viễn thông. 

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn khăng khăng quan điểm lỗi thời và áp đặt rằng Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề trên cơ sở song phương chứ không coi đây là vấn đề chung của ASEAN. 

Bà Hoa cũng tuyên bố rằng, những gì Trung Quốc đang làm là hợp pháp, bất chấp những hành động xâm chiếm ngang ngược trên thực tế mà nước này đã và đang tiến hành đối với các vùng lãnh hải mà Việt Nam và Philippines đang thực thi chủ quyền.

Nhật triển khai tên lửa gần vùng tranh chấp

Trung Quốc ngày càng lộ rõ âm mưu độc chiếm biển Đông ảnh 3
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật - Ảnh: Military Today


Tờ Sankei Shimbun ngày 17-6 cho biết, lực lượng phòng vệ Nhật sẽ sớm triển khai 192 tên lửa chống hạm Type 12 tầm bắn 200 km trên đảo Kyushu nhằm “ngăn chặn các cuộc tấn công của Trung Quốc”.

Giới tướng lĩnh và chuyên gia quân sự Nhật tin rằng nếu nổ ra xung đột, Trung Quốc sẽ nhanh chóng triển khai một loạt tàu chiến cùng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường để chặn đường vào các vùng biển xung quanh những hòn đảo xa của Nhật. 

“Tên lửa chống hạm Type 12 sẽ giúp ngăn chặn mọi hành động quân sự như vậy”, Sankei Shimbun dẫn lời các chuyên gia nhận định. 

Trước Type 12, Tokyo cũng đã triển khai tên lửa chống hạm Type 88 tầm bắn 150 km tại đảo Miyako, thuộc tỉnh Okinawa, nhân một cuộc diễn tập quân sự với kịch bản là đánh chiếm lại một hòn đảo bị đối thủ kiểm soát hồi tháng 11-2013. Miyako là hòn đảo gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku nhất, với khoảng cách chỉ 170 km. 

Đảo này cũng nằm gần eo biển Miyako, nơi tàu hải quân Trung Quốc thường phải đi qua nếu muốn ra vùng biển quốc tế ở Thái Bình Dương. Vì thế, giới phân tích Trung Quốc luôn xem Miyako là một vị trí chiến lược quan trọng để Nhật triển khai tên lửa nếu nước này muốn uy hiếp thực sự đối với hải quân Trung Quốc. 

“Eo biển Miyako dài 250 km và tầm bắn của tên lửa Nhật lên đến 150 km. Nếu triển khai tên lửa ở cả hai đầu eo biển, Nhật dễ dàng cô lập tuyến hàng hải này”, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời đại tá Lý Kiệt của Trung Quốc. Thậm chí, ông Lý nói thêm rằng nhờ những tiến bộ công nghệ, Tokyo có thể sớm chiếm ưu thế ngay cả khi chỉ triển khai tên lửa tại một đầu eo biển.