Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố “sớm hoàn tất” xây dựng đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam

ANTĐ - Các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, không giúp củng cố các yêu sách về chủ quyền của Bắc Kinh. Ngược lại, hành động này đang gây leo thang căng thẳng, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố “sớm hoàn tất” xây dựng đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam  ảnh 1

Một công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông 

Không chấp nhận sự đã rồi!

Ngày 16-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố một cách mập mờ rằng nước này “sẽ sớm hoàn tất” một số hạng mục xây dựng đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông mà họ đã chiếm đóng trái phép. Trong số các hạng mục này có các công trình dành cho mục đích quân sự.

Trung Quốc cũng ngang nhiên tuyên bố công việc xây dựng mà nước này tiến hành tại quần đảo Trường Sa hoàn toàn “hợp pháp, hợp lý và chính đáng”. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, nhấn mạnh sự phi pháp và vô giá trị trong những hành động và lời nói của Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc đưa ra thông báo trên, Mỹ đã lập tức bày tỏ quan ngại. Trong tuyên bố ngày 16-6, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định kế hoạch của Trung Quốc “không góp phần làm giảm căng thẳng, không hỗ trợ việc đưa ra các giải pháp hòa bình và ngoại giao, hay giúp củng cố những tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Bắc Kinh”. Washington cũng bày tỏ quan ngại về những kế hoạch xây dựng tiếp theo của Trung Quốc, trong đó có các công trình phục vụ mục đích quân sự. Giới chức Mỹ cũng cảnh báo không có nước nào trong khu vực ủng hộ các kế hoạch này của Trung Quốc. 

Nhật Bản cùng ngày cũng cho biết Tokyo đặc biệt quan ngại về “các hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng và gây leo thang căng thẳng trong khu vực” của Bắc Kinh. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihida Suga nhấn mạnh rằng ngay cả khi các hoạt động cải tạo hoàn thành, Nhật Bản sẽ không bao giờ công nhận tuyên bố của Trung Quốc như một sự đã rồi.

 Ông Suga nêu rõ quan điểm của Nhật Bản là cần phải tuân thủ luật pháp và cho biết sẽ đề nghị Bắc Kinh không có hành động đơn phương gây ra “những thay đổi nguyên trạng và không thể đảo ngược”. Cùng chung quan điểm này, Philippines tố cáo Trung Quốc đã hoàn tất 75% đường băng trên bãi Chữ thập, đủ cho một máy bay Boeing 747 cất cánh và hạ cánh.

 Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez nhấn mạnh: “Với việc xây dựng đường băng này, bãi Chữ thập có thể trở thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc, một nơi tạm dừng để tiếp nhiên liệu cho tàu và máy bay của nước này”. Một quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á là Malaysia dường như cũng không thể “chịu đựng” nổi các hành động ngang ngược phi pháp của Trung Quốc. Phát biểu tại Quốc hội ngày 15-6, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Hamzah Zainuddin nói rằng yêu sách dựa vào “đường 9 đoạn’’ là không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). 

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố “sớm hoàn tất” xây dựng đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam  ảnh 2

Các tàu chiến USS Sampson và USS Pinkney của Mỹ hoạt động tại Biển Đông

Sai trái rành rành

Phản ứng của cộng đồng quốc tế trước hết đã chỉ rõ các bước đi đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn sai trái. Sai trái vì nó đi ngược lại những tuyên bố, nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và các nước trong khu vực, mà trước hết là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được Trung Quốc và các nước ASEAN ký kết năm 2002.

 Sai trái vì Trung Quốc đang bất chấp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Đặc biệt, Trung Quốc đã sai vì đang đi ngược lại nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế về một môi trường an ninh, hòa bình và ổn định. Chỉ cần lấy một ví dụ về Điểm 5 trong DOC, một văn kiện được thiết lập dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS, cũng có thể thấy rõ sự vi phạm trắng trợn của Trung Quốc đối với chính những tuyên bố mà nước này cam kết.

Điểm 5 trong DOC nêu rõ nghĩa vụ chung của các quốc gia phải thực hiện là tự kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp và gia tăng tranh chấp có thể ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Việc xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc chắc chắn không thể là hành động tự kiềm chế. Ngược lại, hoạt động có chủ đích này chỉ làm phức tạp thêm tình hình, đe dọa tới hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. 

Cần biết rằng bảo vệ môi trường biển là nội dung ưu tiên hàng đầu trong số 5 lĩnh vực hợp tác được nêu cụ thể trong DOC (Bảo vệ môi trường biển; Nghiên cứu khoa học biển; An toàn và an ninh hàng hải; Tìm kiếm cứu nạn trên biển; Chống tội phạm xuyên quốc gia). Thế nhưng, ngay cả ưu tiên hàng đầu này cũng đã bị Trung Quốc phớt lờ và vi phạm. Bên cạnh việc xây dựng các đảo nhân tạo làm thay đổi nguyên trạng, tác động tiêu cực tới môi trường biển ở Biển Đông, Trung Quốc còn tiến hành các hoạt động đánh bắt cá quá mức, hủy hoại các rạn san hô quý giá.

 Báo chí quốc tế đã từng lên án mạnh mẽ các hoạt động khai thác quá mức của Trung Quốc. Bài báo “Biển Đông: Cuộc đấu tranh giành quyền lực tại khu vực châu Á” của Bill Hayton cho biết: “Trong thời gian cấm đánh bắt cá năm 2012, Sở Hải dương và Ngư nghiệp tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) tổ chức một đội tàu cá lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc tiến hành đánh bắt cá ở quần đảo Trường Sa với 30 tàu, trong đó có một tàu tiếp tế 3.000 tấn”.

Ông Angel Alcala, cựu Bộ trưởng Môi trường Philippines và cũng là nhà khoa học có uy tín quốc tế, mới đây đã khuyến cáo Việt Nam và Philippines là những nước đầu tiên hứng chịu những tác hại về môi trường từ hoạt động “lấp biển lấy đất” của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông Alcala, các hoạt động xây dựng của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể gây ra những tác động tiêu cực về đa dạng sinh học, ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản ở vùng biển này trong dài hạn cũng như đời sống của các cộng đồng dân cư duyên hải.

Chính phủ Philippines cũng cảnh báo Trung Quốc đang gây ra những thiệt hại to lớn đối với môi trường và cân bằng sinh thái Biển Đông. Các hoạt động xây dựng trái phép của Bắc Kinh trong khu vực đã phá hủy 300 rạn san hô, dẫn tới thiệt hại kinh tế hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Tuyên bố mới nhất của Trung Quốc về việc “sắp hoàn tất” một số hạng mục xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông dường như là đòn đánh tâm lý trong bối cảnh Bắc Kinh tự mình gây ra thế đối đầu ngày càng gay gắt với cộng đồng quốc tế. Có lẽ, Trung Quốc muốn tạo ra cảm giác rằng nước này đang “xuống thang” hòng đánh lừa dư luận. Tuy nhiên, tham vọng bộc lộ từ lâu của Trung Quốc là chỉ báo quan trọng cho thấy nước này sẽ tiếp tục có các hành động leo thang khác.

Nhiều khả năng trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép, quân sự hóa các đảo nhân tạo. Nước này cũng sẽ tiếp tục tiến hành đồng thời các hoạt động phối hợp khác nhằm thể hiện sức mạnh trên Biển Đông, trong đó không loại trừ các hành động phi pháp và vô đạo đức như cướp phá tàu đánh cá của ngư dân các nước, quấy nhiễu hoạt động hàng hải, thậm chí cố ý tạo ra các tình huống xung đột có quy mô nhỏ.

Giới phân tích đã chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng lợi thế áp đảo cả về kinh tế và quân sự để làm Biển Đông “dậy sóng”. Việc xác định thời điểm, quy mô cũng như cách thức thực hiện của Bắc Kinh sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và hành động của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của các nước trong khu vực có liên quan.