Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp trái phép tại Đá Subi thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Những hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ vũ trụ Mỹ Maxar chụp vừa được công bố cho thấy, Trung Quốc đã ngang nhiên bồi đắp trái phép một khu vực lớn tại Đá Subi ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy khu đất mới được bồi đắp trái phép trên Đá Subi (hình phải) và Đá Subi trước khi bị bồi đắp (hình trái)

Hình ảnh vệ tinh cho thấy khu đất mới được bồi đắp trái phép trên Đá Subi (hình phải) và Đá Subi trước khi bị bồi đắp (hình trái)

Những hình ảnh được công bố mới nhất cho thấy Đá Subi có thêm một khu đất mới do Trung Quốc cải tạo trái phép. Bãi đất này không hề được nhìn thấy trong những ảnh vệ tinh chụp vào ngày 20-2. Bãi đất hình chữ nhật rộng khoảng 2,85 ha xuất hiện ở khu vực rìa phía nam của Đá Subi, bao quanh một vùng nước và có kênh cho tàu thuyền ra vào. Theo Maxar, ở một góc của khu đất trên có một mô hình có hình tròn cho thấy có thể là một tòa tháp hoặc một mái che radar.

Khu đất mới trên đá Subi là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý đối với phần lớn diện tích khu vực Biển Đông. Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và cải tạo trái phép các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm 2013, sau đó xây dựng đường băng, lắp đặt radar và triển khai tên lửa tại đây.

Hoạt động cải tạo và bồi đắp các thực thể tại Biển Đông của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế phản đối. Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 ra phán quyết rằng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% diện tích Biển Đông “không có cơ sở pháp lý”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Mọi hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ, hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông.

Trước đó, hôm 20-3, Lực lượng tuần duyên Philippines công bố những hình ảnh cho thấy khoảng 220 tàu do dân quân biển Trung Quốc điều khiển neo đậu tại khu vực đá Ba Đầu (Whitsun) trong cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những tàu vỏ sắt dạng tàu cá dàn đội hình hàng ngang tại vùng biển này từ ngày 7-3, bật đèn trắng suốt đêm tuy nhiên không có hoạt động đánh bắt. Philippines cáo buộc đây là “hành động khiêu khích rõ ràng của việc quân sự hóa khu vực” và đã có công hàm chính thức phản đối việc này.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines bác tin đây là tàu do dân quân biển điều khiển và cho biết các tàu này “đang trú ẩn” tại khu vực. Ngày 23-3, Đại sứ quán Mỹ tại Manila ra tuyên bố cáo buộc việc hơn 200 tàu cá của Trung Quốc neo đậu nhiều tháng ở khu vực trên là động thái “đe dọa các quốc gia khác”. “Trung Quốc đã dùng dân quân biển để dọa dẫm, khiêu khích và đe dọa các nước khác, điều này làm suy yếu hòa bình và an ninh trong khu vực”, Đại sứ quán Mỹ tại Manila tuyên bố đồng thời cam kết Mỹ sẽ sát cánh với Philippines.