8 loại tên lửa Nga giúp quân đội Trung Quốc vươn lên tầm thế giới (Kỳ 5)

Trung Quốc mua tên lửa tàu chiến, phát triển hàng "nhái"

ANTĐ - Song song với việc nhập khẩu các hệ thống tên lửa trên không và mặt đất, Trung Quốc cũng mua sắm các loại tên lửa lửa dùng trên tàu chiến và dựa vào đó phát triển thêm các phiên bản “nhái” của mình.

Tên lửa Shtil giúp chiến hạm Trung Quốc lần đầu có khả năng phòng không khu vực

Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, tại cầu cảng của Nhà máy đóng tàu Giang Nam - Thượng Hải xuất hiện bộ đôi chiến hạm mới, rất hiện đại. Đó chính là các tàu khu trục tên lửa quốc nội Type 052B, sử dụng tên lửa phòng không Shtil nhập khẩu từ Nga. Sự xuất hiện của các khu trục hạm thế hệ mới này đã giúp hải quân Trung Quốc lần đầu tiên sở hữu khả năng phòng không khu vực.

Shtil là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung đa kênh có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện, cả ngày lẫn đêm. Nó không những đảm nhận nhiệm vụ phòng không cho bản thân mà còn bảo vệ cả hạm đội. Hệ thống phòng không này có khả năng bắn hạ các máy bay ném bom, tiêm kích bom, cường kích; các loại máy bay ném bom và đánh chặn cả tên lửa hành trình chống hạm.

Tên lửa phòng không tầm trung trên hạm HHQ-16 (trái)

Các phương tiện truyền thông phương Tây xác nhận là Trung Quốc đã mua loại tên lửa 9M38M2 - một phiên bản rất hiện đại của dòng Shtil. Đây là loại tên lửa có khả năng đối phó với sự uy hiếp đến từ trên không ở mọi phương vị, được đánh giá là có hiệu quả cao trong các dòng tên lửa phòng không hạm.

Hiện nay, ở phía trước và sau của 4 khu trục hạm lớp Sommeverny Trung Quốc mua của Nga được thiết kế một kho đạn tên lửa (24 quả) và 1 hệ thống phóng nghiêng, tương tự như hệ thống phóng Mk-13 của loại tên lửa SM-1 trên các khu trục hạm cũ của Mỹ. Các tàu khu trục Type 052B của Trung Quốc cũng được thiết kế theo kiểu tương tự.

Trung Quốc mua tên lửa tàu chiến, phát triển hàng "nhái" ảnh 2
Tên lửa phòng không tầm trung Shtil

Năm 2008, Trung Quốc đã gây sốc khi ra mắt một loại tên lửa phòng không tầm trung, kiểu cơ động trên mặt đất được định danh là Hồng Kỳ-16 (HQ-16). Không khó để người ta nhận thấy sự giống nhau đến kỳ lạ giữa HQ-16 và Shtil. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục phát triển thêm phiên bản Hải Hồng Kỳ-16 (HHQ-16) được lắp đặt trên các tàu hộ vệ thế hệ mới Type 054A. Tuy nhiên, nó áp dụng mô hình ống phóng thẳng đứng theo kiểu Mỹ.

Hệ thống tên lửa phòng không HHQ-16 (Hải Hồng Kỳ-16) là phiên bản trên hạm của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung lục quân HQ-16 (Hồng Kỳ-16). Nó được lắp đặt trên các tàu hộ vệ thế hệ mới nhất Type 054A của Trung Quốc. Loại tên lửa này có chiều dài 2,9m, đường kính thân 0,232m, trọng lượng 165kg, đầu nổ 17kg, vận tốc 2,8Mach (Khoảng trên 3000km/h).

Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung trên mặt đất HQ-16

Tuy được mệnh danh là loại tên lửa tầm trung nhưng trên thực tế độ cao đánh chặn của HHQ-16 chỉ có hiệu quả từ 6km trở xuống, tầm bắn hiệu quả 30km, xét thực tế thì nó thuộc dạng tên lửa phòng không tầm gần, cận trung, tính năng chỉ tiệm cận loại tên lửa phòng không hạm cũ kỹ RIM-7 chứ không thể so được với loại RIM-116 do Mỹ chế tạo hiện đang lắp đặt trên các tàu hộ vệ Hàn Quốc. 

Tên lửa phóng từ tàu ngầm thế hệ Club-S

Hệ thống tên lửa SS-N-27 Kaliber (phiên bản xuất khẩu là Club) được Cục thiết kế Novator (OKB-8) của Nga nghiên cứu, phát triển trên cơ sở tên lửa SS-N-21 Granat (NATO gọi là Sampson). Loại tên lửa này bắt đầu nghiên cứu vào năm 985 và lần đầu tiên xuất hiện công khai tại Triển lãm hàng không Moscow 1993 và nhanh chóng trở thành loại tên lửa hàng đầu thế giới.

Thế hệ tên lửa Club có 2 dòng, có thiết kế cơ bản là giống nhau, khác biệt cơ  bản là dùng các hệ thống phóng khác nhau. Đầu tiên là loại Club-S dùng cho tàu ngầm, phóng từ ống phóng lôi tiêu chuẩn 533mm; loại thứ 2 là Club-N lắp đặt trên các tàu mặt nước, phóng bằng thiết bị phóng thẳng đứng hoặc hệ thống phóng dạng hộp thiết kế nghiêng.

Trung Quốc mua tên lửa tàu chiến, phát triển hàng "nhái" ảnh 4

Lắp đặt tên lửa Club-S trên tàu ngầm Kilo

Cục thiết kế Rubin của Nga công bố thông tin hiện họ đang có kế hoạch cải tiến 2 tàu ngầm Kilo thuộc project 877EKM cho Trung Quốc, lắp đặt thêm hệ thống tên lửa Club-S. Ngoài ra, Trung Quốc còn mua 8 tàu ngầm Kilo project 636, tất cả số tàu ngầm này đều được trang bị tên lửa hành trình chống hạm Club-S 3M54E có tầm phóng 220km.

Năm 1994, Bắc Kinh ký hợp đồng với Moscow mua 4 tàu ngầm Kilo, 2 chiếc 877EKM và 2 chiếc 636MK, sau đó tiếp tục đặt mua thêm 8 chiếc thuộc dự án 636. 2 project này cơ bản không có gì khác biệt về ngoại hình và tham số kỹ thuật, chỉ khác biệt là về hệ thống vũ khí, Kilo 636 được trang bị tên lửa hành trình chống hạm Club-S.

Trung Quốc mua tên lửa tàu chiến, phát triển hàng "nhái" ảnh 5

Tên lửa hành trình chống hạm 3M-54E

Theo số liệu chính xác của nhà thiết kế, tàu ngầm Kilo 636 có lượng giãn nước khi nổi là 2325 tấn, khi lặn là 3076 tấn, tốc độ di chuyển trên mặt nước là 11 hải lý/h, tốc độ tối đa khi lặn là 20 hải lý/h. Khi sử dụng ống thông khí với vận tốc 7 hải lý/h, phạm vi hoạt động tối đa của nó là 7000 hải lý (12.800km). Tàu có khả năng lặn sâu 250m, tối đa 300m.

Tên lửa hành trình chống hạm Club-S có 2 phiên bản thông dụng là 3M-54E và 3M-54E1. Loại đầu tiên có tầm phóng 220km, trong lượng đầu đạn 250kg, có khả năng hạ sát các tàu có lượng giãn nước tới 10.000 tấn. Hiện nay các tàu ngầm Kilo 636MK của Trung Quốc đang được trang bị tên lửa chống hạm 3M-54E.

Trung Quốc mua tên lửa tàu chiến, phát triển hàng "nhái" ảnh 6

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14E

Phiên bản kế tiếp được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” với đầu đạn nặng 400kg và tầm phóng lên tới 300km. Với đầu đạn hạng nặng, tên lửa 3M-54E1 nó khả năng phá tan 1 tuần dương hạm hoặc khu trục hạm hàng vạn tấn, đánh bị thương, thậm chí đánh chìm các tàu sân bay hạng trung. Nó được coi là một trong các loại vũ khí chống hàng không mẫu hạm mạnh nhất thế giới.

Họ tên lửa Club-S còn có tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14E có tầm phóng 290km. Đây là loại tên lửa có trên tàu ngầm Kilo 636 của Ấn Độ, Việt Nam, Algieria không có trên phiên bản 877EKM và 636MK của Trung Quốc. Hiện không rõ 2 tàu ngầm 877EKM mà Cục thiết kế Rubin của Nga định nâng cấp sẽ được trang bị thêm những loại tên lửa nào. Nếu Nga cũng cung cấp cho Trung Quốc phiên bản 3M-54E1 và 3M-14 thì tàu ngầm Kilo Trung Quốc sẽ có hệ thống hỏa lực mạnh nhất trong số các phiên bản xuất khẩu.