Trung Quốc "mở cửa" pháp đình

ANTD.VN - Trung Quốc vừa có bước tiến trong việc tăng cường tính minh bạch hoạt động xét xử của tòa án khi chính thức cho phép tường thuật trực tuyến một số phiên tòa nhất định.

Trung Quốc "mở cửa" pháp đình  ảnh 1Trung Quốc đã chấp thuận tường thuật trực tiếp một số phiên tòa

Trong nỗ lực nhằm nâng cao tính minh bạch của hệ thống tư pháp, Trung Quốc đã chấp nhận cho phép tường thuật trực tuyến các phiên tòa xét xử công khai. Theo đó, có thể dùng máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh để tường thuật việc xét xử của tòa án, điều mà trước kia chưa chính thức được chấp thuận dù về danh nghĩa là phiên tòa xét xử công khai.

Trước đó, một phiên tòa bình thường ở Trung Quốc có thể không được thông báo chính thức là “xử kín”, nhưng điều đó không có nghĩa là công chúng có thể tự do tham dự. Thực tế, mỗi tòa có một cơ chế khác nhau để quyết định cho ai được tham dự hoặc không. Thậm chí có phiên tòa mà ngay cả thân nhân của bị cáo còn không được phép ngồi bên trong phòng xử án.

Việc không cho phép tường thuật trực tiếp, trực tuyến các phiên tòa đã hạn chế việc thông tin rộng rãi và nhanh chóng tới đông đảo người dân về các vụ án được quan tâm. Hơn nữa, điều này còn khiến Trung Quốc bị nghi ngờ, thậm chí chỉ trích về tính công khai, minh bạch của hoạt động xét xử, một lĩnh vực tư pháp có liên quan trực tiếp tới người dân.

Vì thế, việc cho phép tường thuật trực tuyến các phiên tòa, dù rằng chưa phải là tất cả các phiên tòa xử công khai, cũng được xem là một sự tiến bộ và cởi mở của ngành tòa án Trung Quốc. Theo động thái mới nhất, các phiên tòa được tường thuật trực tuyến có thể là về tranh chấp bản quyền hoặc ly dị, cướp tài sản, giết người, buôn bán ma túy…

Thực ra, việc tường thuật trực tuyến hay trực tiếp các phiên tòa ở Trung Quốc cũng đã được cho phép thời gian qua theo nhu cầu truyền thông ngày càng lớn ở nước này. Hồi tháng 8-2013, tòa án nhân dân tại thành phố Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã cho phép tường thuật trực tiếp phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai, cựu ủy viên Bộ Chính trị và cựu Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh, về tội tham ô, nhận hối lộ, trên mạng xã hội Weibo phổ biến nhất tại quốc gia này.

Nhìn nhận về việc cho phép tường thuật trực tuyến các phiên tòa, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nước này Chu Cường cho rằng, trước hết điều này sẽ “giúp bảo vệ quyền được biết và giám sát của người dân. Theo ông Chu Cường, giá trị không kém là động thái này giúp cho người dân biết được những gì đang thực sự xảy ra trong một hoạt động tư pháp quan trọng mà không bị bất kỳ ai “kiểm duyệt”.

Tường thuật trực tuyến các phiên tòa sẽ giúp người dân nhận biết cách thức hệ thống pháp luật vận hành. Đối với giới luật, điều này cũng đòi hỏi họ phải nỗ lực nâng cao hơn nữa trình độ để chứng tỏ sự chuyên nghiệp và tranh tụng thuyết phục hơn tại tòa trước sự dõi theo của người dân.

Tuy nhiên, cũng có những góc nhìn quan ngại về việc cho phép tường thuật trực tuyến các phiên tòa, nhất là những vấn đề liên quan tới bí mật đời tư. Một luật sư về nhân quyền tại Trung Quốc cho rằng, không phải tất cả các phiên tòa đều thích hợp cho việc tường thuật trực tuyến,  bởi có lẽ có những người liên quan trong các vụ án không muốn công chúng chia sẻ thông tin cá nhân liên quan tới họ.