Trung Quốc lo sợ Việt Nam và các nước láng giềng kiện ra Tòa án quốc tế

ANTĐ - Bắc Kinh ngày càng lo ngại bị Việt Nam và các quốc gia láng giềng trong khu vực kiện ra Tòa án quốc tế, trong khi đó, dư luận quốc tế tiếp tục ủng hộ chủ trương của Việt Nam nhằm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng hiện nay theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Philippines vạch trần trò gian lận lịch sử của Trung Quốc

Theo báo South China Morning Post (SCMP, Hong Kong) ngày 10-6, ông Antonio Carpio, một thẩm phán cao cấp Philippines, đã sử dụng 72 bản đồ cổ - trong đó 15 bản đồ xuất xứ từ Trung Quốc - trong một bài nói chuyện tại Đại học De La Salle (Philippines) để phủ nhận tuyên bố chủ quyền muốn chiếm phần lớn biển Đông của Trung Quốc. 
"Thư viện Quốc hội Mỹ lưu trữ những bản đồ trên và không hạn chế tiếp cận. Tất cả đều cho thấy biên giới phía nam Trung Quốc kết thúc tại Hải Nam, với các tên cổ xưa như Zhuya, sau đó là Qiongya và Qiongzhou", ông Carpio nhấn mạnh.

Trung Quốc lo sợ Việt Nam và các nước láng giềng kiện ra Tòa án quốc tế ảnh 1
Ảnh chụp một bản đồ khắc đá cổ do thẩm phán Antonio Carpio giới thiệu để khẳng định đảo Hải Nam là biên giới cực nam của Trung Quốc. Ảnh: SCMP


Tư liệu đầu tiên ông Carpio giới thiệu là ảnh chụp một bản đồ khắc đá vẽ lãnh thổ Trung Quốc vào thời nhà Tống năm 1136 sau Công nguyên. Bản đồ này cho thấy đảo Hải Nam là cực nam của lãnh thổ Trung Quốc.

Mười năm trước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines trích dẫn dòng chữ trên ngôi mộ một vị tướng thời nhà Minh đóng tại Hải Nam, tên Quian Shicai, làm bằng chứng cho tuyên bố của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa. Nội dung trích dẫn như sau: "Quảng Đông tiếp giáp với phần lớn biển Đông, và các vùng lãnh thổ bên ngoài vùng biển đều thuộc về nhà Minh".

Tuy nhiên, ông Carpio trình ra 5 bản đồ chính thức của triều đại nhà Minh ghi nhận "Hải Nam là cực nam của lãnh thổ Trung Quốc".

Chưa dừng lại ở đó, Đại sứ quán Trung Quốc từng rêu rao dưới triều đại nhà Thanh, Trung Quốc đánh dấu quần đảo Nam Sa (tên Bắc Kinh tự đặt với quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trên một bản đồ hợp pháp và đã thực thi quyền tài phán hành chính đối với các quần đảo.

Nhưng ông Carpio tiếp tục viện dẫn những bản đồ chính thức của triều đại nhà Thanh để tiếp tục khẳng định chứng cứ đảo Hải Nam là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc. Kết thúc bài nói chuyện, ông Carpio khẳng định, “đường lưỡi bò” là “trò gian lận lịch sử khổng lồ” của Trung Quốc.

Trung Quốc sợ bị kiện ra tòa án quốc tế

Ngày 9-6, Trung Quốc đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) một văn bản liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 vu khống Việt Nam một cách trắng trợn. 

Theo tạp chí The Diplomat, tạp chí chuyên bình luận các vấn đề chính trị - an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc Trung Quốc quyết định đệ trình “bản tuyên cáo lập trường” ra LHQ cho thấy, Bắc Kinh ngày càng quan ngại bị Việt Nam và các quốc gia láng giềng trong khu vực kiện ra tòa án quốc tế, dùng luật pháp quốc tế để phản đối những tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nuốt trọng gần cả biển Đông.

Trung Quốc lo sợ Việt Nam và các nước láng giềng kiện ra Tòa án quốc tế ảnh 2
Càng hung hăng hiếu chiến, Trung Quốc càng khiến các quốc gia Đông Nam Á đẩy mạnh
hợp tác an ninh hàng hải với cả Mỹ lẫn Nhật Bản và hợp tác với nhau chặt chẽ hơn



The Diplomat cũng nhận định, động thái trên của Trung Quốc là nhằm “quốc tế hóa” vấn đề chủ quyền lãnh thổ để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Với chiến lược này, Bắc Kinh định khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa với LHQ để ngăn cản Việt Nam và các nước láng giềng kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế, tờ The Diplomat viết.

Tờ The Diplomat cũng nói rằng, Trung Quốc đang chơi một ván bài nguy hiểm, bởi vì không có luật pháp quốc tế nào công nhận “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.

Philippines đã làm đơn kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ra tòa án quốc tế và Việt Nam cũng đang cân nhắc biện pháp tương tự sau khi tàu Trung Quốc ngang ngược bắn vòi ròng, đâm húc các tàu chấp pháp Việt Nam và đâm chìm tàu cá Việt Nam tại khu vực giàn khoan.

The Diplomat cho rằng, nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ Nhật Bản, Úc, Mỹ và các nước khác. 

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ ủng hộ chủ trương Việt Nam về biển Đông

Ngày 10-6, tại trụ sở chính của LHQ ở New York (Mỹ), Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ đã gặp ông John Ashe, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ (Khóa 68) để tiếp tục trao đổi ý kiến về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông.

Tàu Trung Quốc luôn có hành động áp sát, tấn công tàu bằng nhiều hình thức đâm va, phun nước, ném vật cứng sang tàu của Việt Nam khi đang làm nhiệm vụ tại vùng biển chủ quyền Việt Nam

Tại cuộc gặp, Đại sứ Lê Hoài Trung đã nêu rõ, từ khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 ngày 1-5-2014, Trung Quốc sử dụng nhiều tàu và phương tiện, kể cả tàu quân sự, nhằm ngăn cản các cơ quan Việt Nam thực thi pháp luật tại vùng biển của Việt Nam, thậm chí còn chủ động đâm húc, sử dụng vòi rồng tấn công tàu thực thi pháp luật và tàu cá của Việt Nam, gây thương tích cho một số cán bộ kiểm ngư và mới đây nhất còn đâm chìm một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động tại ngư trường truyền thống.

Đại sứ thông báo, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp song phía Trung Quốc không những không đáp ứng đề nghị của Việt Nam, mà còn gia tăng những hành động gây căng thẳng nêu trên. Đại sứ Lê Hoài Trung cũng đề nghị LHQ và cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm, ủng hộ những yêu cầu, đề nghị thiện chí của Việt Nam.
Chủ tịch Đại hội đồng John Ashe bày tỏ và chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình đang diễn ra tại biển Đông, ủng hộ chủ trương của Việt Nam nhằm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng hiện nay theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. 
Ông cũng cho rằng các bên liên quan không nên có các hành động đơn phương làm căng thẳng gia tăng. Chủ tịch Đại hội đồng cho biết, văn phòng của ông theo dõi sát sao tình hình và khẳng định ông luôn sẵn sàng hỗ trợ các bên giải quyết tình hình hiện nay.